05/05/2023 06:11
Sinh ngày 5/5/1818, xuất thân từ một gia đình trí thức trong xã hội tư sản, chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột, bất công mà chế độ tư bản đã tạo ra vì lợi ích, vì lợi nhuận của giai cấp tư sản, Các Mác thông qua con đường hoạt động khoa học, hoạt động thực tiễn, đã chuyển biến thế giới quan của mình từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, chuyển từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản - đứng hẳn vào vị trí tiên phong của những người đấu tranh cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân loại cần lao. Năm 17 tuổi, trong luận văn tốt nghiệp trung học với tựa đề “Suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”, Các Mác đã viết: “Lịch sử gọi những con người tự làm cho mình trở nên cao quý bằng việc cống hiến cho sự nghiệp chung, là những con người vĩ đại; kinh nghiệm ca ngợi con người đem lại hạnh phúc cho hầu hết mọi người, là con người hạnh phúc nhất”. Xuất phát từ mục tiêu cao cả đó, Các Mác đã cống hiến trọn đời vì lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng loài người nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp - xã hội cộng sản.
|
Theo Các Mác, để có được hạnh phúc, con người cần có tự do, mà để có tự do con người cần phải đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột để giải phóng mình. Mang trong mình chủ nghĩa nhân đạo cao cả, với lòng trắc ẩn và những trăn trở, ưu tư, cảm thông đối với những người lao động, những người cùng cực trong xã hội, Các Mác quan niệm: hạnh phúc chính là sự tự do, là được làm chủ chính mình, được quyết định vận mệnh của mình, thoát khỏi xiềng xích nô lệ và mọi sự áp bức, bất công. Do đó, mọi hoạt động lý luận và thực tiễn của ông đều vì mục tiêu mưu cầu sự tự do, hạnh phúc cho giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”, Các Mác cùng với Ph.Ăngghen đã liên hiệp, đoàn kết những người cùng khổ trên toàn thế giới đấu tranh để mưu cầu tự do, hạnh phúc, chống lại mọi sự áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại và giải phóng con người.
Theo Các Mác, chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là nguyên nhân của mọi sự khổ đau của con người, dẫn đến một xã hội đầy rẫy nạn áp bức bóc lột và bất công. Từ đó các ông đã đấu tranh không ngừng chống lại giai cấp tư sản, chế độ tư hữu.
Vì vây, để lật đổ chủ nghĩa tư bản, đem lại hạnh phúc cho nhân loại, xây dựng một xã hội tốt đẹp, không còn người bóc lột người, Các Mác đã chỉ rõ tính tất yếu về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản và sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Để dẫn dắt và lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp vô sản thế giới đi đến thắng lợi cuối cùng, Các Mác và Ph.Ăngghen đã sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học và đấu tranh không khoan nhượng với mọi kẻ thù của giai cấp vô sản, với học thuyết của giai cấp tư sản và chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong phong trào công nhân, với các trào lưu tư tưởng tư sản nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng con người và giải phóng nhân loại.
Tư tưởng hạnh phúc là đấu tranh của Các Mác không chỉ được chứng minh bằng cả cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của ông, mà còn được thực tiễn lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Việt Nam kiểm nghiệm tính đúng đắn của nó.
Ở Việt Nam, trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, con người Việt Nam đã không ngừng đấu tranh không chỉ với thiên tai để sinh tồn, để có cuộc sống tốt đẹp hơn; mà còn đấu tranh với địch họa để bảo vệ bờ cõi, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, để thoát khỏi ách đô hộ, xâm lược và sự đồng hóa của ngoại bang.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu “không có gì quý hơn độc lập tự do” chúng ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cũng với tinh thần đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử; khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước trên tầm cao mới và giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo của Việt Nam cho đến ngày hôm nay chính là sự nỗ lực đấu tranh không ngừng của toàn thể dân tộc Việt Nam vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Bước vào giai đoạn mới, với nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức đan xen, chúng ta vẫn không ngừng nỗ lực trên nhiều lĩnh vực nhằm đem lại ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta tiếp tục khẳng định, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, lý luận, chúng ta phải quyết liệt đấu tranh phản bác, chống lại những quan điểm, luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; đấu tranh với những biểu hiện lai căng, phản văn hóa, đi ngược với giá trị văn hóa dân tộc; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Ðảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học”.
Kỷ niệm 205 ngày sinh Các Mác chính là dịp để mỗi một cán bộ, đảng viên chúng ta nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trần Văn Toàn