24/02/2023 06:40
Nhiều người nhận xét rằng đây là kết luận ý Đảng lòng dân. Bởi, căn cứ Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị “về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật” và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, ngày 20/9/2022 của Ban Tổ chức Trung ương “Điểm 3, Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”, Thông báo số 685-TB/TU đã được cụ thể hóa thêm một bước trong tình hình thực tiễn của tỉnh. Từ đây, các cán bộ đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh có thêm cơ sở để theo dõi, đánh giá, nhận xét các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Còn bản thân các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nắm rõ quy định, từ đó càng nghiêm khắc với bản thân, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, uy tín, nâng cao năng lực công tác.
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét miễn nhiệm theo quy định”.
|
Việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo các định hướng. Đối với cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét theo nguyện vọng. Đối với cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, bố trí tùy vào các trường hợp cụ thể. Trong trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm, cán bộ là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể; cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý không phải là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm. Trong trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên, cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được Ban Thường vụ Tỉnh ủy căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật và sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Từ nhiều năm nay, Đảng ta, Đảng bộ tỉnh ta luôn xác định phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ nhằm tạo sự khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ không ngừng nỗ lực, không ngừng phấn đấu. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp cán bộ bị kỷ luật, giảm sút uy tín nhưng lại không tự nguyện xin từ chức hoặc xin nghỉ; lại có những trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật nhưng vẫn được “tại vị” hoặc điều chuyển đi nơi khác theo kiểu “đi ngang”, tức là vẫn giữ các chức vụ tương đương.
Và tất nhiên khi cán bộ bị kỷ luật, giảm sút uy tín mà vẫn được giao nắm giữ các chức vụ như trước hoặc điều chuyển ở chức vụ tương đương không chỉ gây bức xúc trong dư luận, giảm sút niềm tin trong nhân dân mà còn tạo áp lực, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của chính cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cha ông ta đã có câu “Người trên ở chẳng chính ngôi/Khiến cho người dưới chúng tôi hỗn hào” mang hàm ý, trong bất cứ môi trường, cộng đồng, tổ chức nào, nếu “người trên” (người cao tuổi, người giữ vị trí cao, trụ cột trong một tổ chức, cộng đồng…) thiếu mẫu mực thì sẽ khó mà hướng dẫn, dạy dỗ “người dưới”. Nên cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật, bị giảm sút uy tín mà không từ chức, vẫn giữ các cương vị công tác thì khó thực hiện tốt vai trò nêu gương, thiếu tính thuyết phục trong triển khai các nhiệm vụ, thậm chí trong một số trường hợp còn xảy ra tình trạng lôi kéo, chia rẽ bè phái, tiếp tục gây mất đoàn kết nội bộ; còn cán bộ, nhân viên cấp dưới lại thiếu niềm tin vào chính người lãnh đạo vừa bị kỷ luật, thiếu đi sự hăng say, nhiệt huyết trong thực hiện nhiệm vụ.
Kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật một lần nữa khẳng định tính nghiêm minh, kỷ luật, kỷ cương của Đảng ta, của Đảng bộ tỉnh ta. Vấn đề còn lại là từ kết luận này, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị tỉnh cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể, tạo sự đồng bộ, thống nhất, quyết tâm chính trị cao, góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nguyên Phúc