09/07/2022 13:27
Quy định số 69 quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; áp dụng đối với tổ chức đảng (gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng). Trường hợp tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nội dung chưa nêu trong Quy định này thì căn cứ vào Ðiều lệ và các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, Ðiều lệ và quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để xử lý kỷ luật cho phù hợp với Quy định này.
Quy định số 69 nêu rõ 14 nguyên tắc cơ bản trong xử lý kỷ luật. Trong đó, tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Ðảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Thi hành kỷ luật phải đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Ðảng. Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.
Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần. Sau 12 tháng, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng), nếu tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
Kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Ðảng viên trong tổ chức đảng bị kỷ luật phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật của tổ chức đảng đó và phải ghi vào lý lịch đảng viên; đảng viên không bị kỷ luật về cá nhân vẫn được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định. Ðảng viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến vi phạm của tổ chức đảng cũng phải ghi rõ vào lý lịch đảng viên.
Ðảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Ðảng; nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tùy nội dung tính chất mức độ hậu quả nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Ðảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường.
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Ðảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.
Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan bảo vệ pháp luật thi hành kỷ luật, khởi tố bị can hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải quyết định thi hành kỷ luật về Ðảng.
Trong cùng một vụ việc có nhiều đảng viên vi phạm thì mỗi đảng viên phải bị kỷ luật về hành vi vi phạm của mình.
Ðảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước.
Không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Ðảng, Nhà nước đối với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật.
Quy định số 69 cũng quy định cụ thể đối với 6 trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật.
Cũng theo Quy định số 69, thời hiệu kỷ luật là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì tổ chức đảng, đảng viên vi phạm không bị kỷ luật. Theo đó, thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm là 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách; 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm là 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách; 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
Quy định mới đồng thời nêu cụ thể một số tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng mức kỷ luật trong việc xem xét vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Về hình thức kỷ luật, Quy định số 69-QÐ/TW quy định: Ðối với tổ chức đảng gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán; Ðối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ; Ðối với đảng viên dự bị gồm: Khiển trách, cảnh cáo.
Quy định số 69 gồm 4 chương, 58 điều. Trong đó, Chương II về kỷ luật tổ chức đảng, nêu rõ các trường hợp vi phạm và các hình thức kỷ luật tương ứng. Chương III về kỷ luật đảng viên vi phạm, nêu rõ các trường hợp vi phạm và các hình thức kỷ luật tương ứng.
Quy định số 69 thay thế Quy định số 07-QÐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QÐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; có hiệu lực từ ngày 6/7/2022 và được phổ biến đến chi bộ.
Bộ Chính trị yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định này. Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện; chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Ðảng và tổ chức đảng có liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi thì các tổ chức đảng báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
* Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật khiển trách:
- Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn.
- Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân.
- Đặt điều kiện, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.
- Mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác.
- Can thiệp, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân.
- Trì hoãn, không thực hiện hoặc chọn thời điểm có lợi với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.
* Trường hợp đã kỷ luật mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
- Không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi trái quy định.
- Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
- Thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ hoặc không kiến nghị, xem xét xử lý theo quy định đối với hành vi tiêu cực này.
- Bao che, không xử lý, không giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
- Tặng, nhận quà biếu cho người có trách nhiệm hoặc người có liên quan quyết định đến việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật.
* Đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm các quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng...
TS