​Trung thu vắng lân, nhưng còn đó những tấm lòng!

22/09/2021 11:56

Thật không tưởng tượng nổi, tiết Trung thu vắng tiếng trống lân náo nức, giục giã; không có những chú lân sặc sỡ vờn múa giữa vòng người. Thế mà tôi, và chúng ta, lại đang sống trong một cái Tết Trung thu “không thể tưởng tượng nổi” ấy thật.

Tôi viết những dòng này ngay đêm rằm tháng Tám- Tết Trung thu, khi xung quanh tôi hết sức yên tĩnh. Một điều khác thường nhất từ trước đến nay, ít nhất là trong khoảng thời gian 23 năm tôi gắn bó với đất Kon Tum.

Hẳn là các bạn đã biết tôi muốn nói đến điều khác thường gì. Vâng, không hề nghe một tiếng trống lân. Lẽ ra, giờ này, tiếng trống lân đang rộn rã nhất. Lẽ ra giờ này, đường phố đang tấp nập nhất. Người xe chen nhau, chở con chạy theo những đoàn lân. Các ngã tư chật kín người mỗi khi có đoàn lân nào đó dựng thang trổ tài. 

Cách đây vài ngày, cu Ben ở nhà bên được mẹ mua cho cái trống về gõ thùng thùng được vài hôm, nhưng rồi cũng chán. Vì không có bạn, nên tiếng trống lạc lõng lắm. Thế là cu cậu xếp vào góc nhà.

Tối đến, cu cậu đứng ở sân ngóng ra con đường trước nhà. Trong trí nhớ non nớt của cậu bé 4 tuổi, Tết Trung thu là bánh ngọt, là tiếng trống, là chú lân sặc sỡ múa may rộn ràng trên đường, thậm chí vào cả nhà mình.

Ở thành phố Kon Tum, trước đêm rằm Trung thu cả tuần, trên đường phố đã xuất hiện những nhóm, những đội múa lân. Riêng tiếng trống thì đã có từ cuối tháng Bảy âm lịch, bởi khi ấy, các đội lân, từ chuyên nghiệp đến không chuyên, từ “lân thanh niên” đến “lân trẻ em”, đều đang tích cực tập luyện để trổ tài, để thi thố trong vài ba đêm, nhất là đêm rằm..

Tết Trung thu năm ngoái, tôi đã từng làm một cuộc khảo sát nho nhỏ, đầy thú vị với một số người, gồm đủ lứa tuổi, giới tính. Câu hỏi là: Nếu như Trung thu không có lân thì có vui không? Tất cả đều chung câu trả lời: Trung thu sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu đi tiếng trống thì thùng và hình ảnh những con lân vui nhộn.

Kể chuyện này để thấy rằng, dù xã hội ngày nay phát triển, đã có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới được tổ chức dịp Tết Trung thu, nhưng múa lân vẫn thu hút được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Hãy cứ nhìn những đôi mắt sáng long lanh, dõi theo từng động tác đáng yêu, ngộ nghĩnh của chú lân sẽ thấy.

Ngã tư Trần Hưng Đạo-Trần Phú vắng vẻ trong đêm rằm Trung thu. Ảnh: HL

 

Nhưng năm nay, Trung thu vẫn đến, còn lân thì bặt tăm. Không phải lân không còn được yêu mến, được ưa chuộng nữa, mà vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, để đảm bảo an toàn, lân cũng đành “nghỉ ngơi”.

Dù đã rất cố gắng ép mình ngồi bên máy tính, nhưng rồi tôi đành đứng dậy, bởi trong đầu cứ vọng mãi tiếng trống cắc tùng. Hóa ra, cái tiếng trống đôi khi làm người khó chịu, lại có sức hút đến thế.

Tôi thấy nhớ tiếng trống, nhớ tiếng reo hò của đám trẻ nhỏ. Thấy thèm được mở cổng cho đám trẻ đội cái đầu lân nhỏ, buộc đuôi bằng mảnh vải đỏ, xô vào nhà quơ quơ mấy đường, híp mắt chờ chủ nhà phát quà, lì xì tiền rồi đi, đạp bẩn hết cả nền nhà.

Thì ra, dù bây giờ đã lớn tuổi rồi, nhưng mỗi khi nhớ đến Tết Trung thu, nghĩ đến múa lân, nhớ tiếng trống thì thùng, thì tôi lại như thấy máu chảy mạnh hơn, mắt sáng hơn, mà tinh thần cũng hăng hơn. 

Mình còn thế, nói gì đến trẻ con.

Chạy xe lòng vòng trên các tuyến phố, càng thấy rõ một Trung thu khác lạ. Cô cháu gái làm cùng cơ quan từng chia sẻ “còn không biết Trung thu về khi nào”. Ấy cũng bởi thiếu tiếng trống lân.

Các cửa hiệu thưa thớt bóng người, hàng Trung thu cũng khiêm tốn về số lượng và chủng loại. Năm ngoái, từ đầu tháng Tám, những cửa hiệu trên các phố Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng… biến hóa một cách kỳ diệu bởi đủ loại đồ chơi Trung thu, nhưng nhiều nhất là các loại đèn, đắt có, bình dân có.

Ở các quán tạp hóa nơi thôn xóm, các mặt hàng thường ngày cũng được thu gọn lại, để nhường chỗ cho đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân. Người mua hàng tấp nập. Những khách hàng nhí săm soi rất kỹ để tìm được cho mình một món đồ chơi ưng ý.

Tiện đường ghé thăm cậu em có chân trong một đội lân lớn ở đường Trần Phú. Nếu như bình thường, thời gian này khó mà gặp được, vì cậu và các thành viên trong đội đang mướt mồ hôi “chạy sô” diễn khắp thành phố. Còn năm nay, ngay đêm rằm, cậu đang nằm… ở nhà.

“Mọi năm, từ ngày 10/8 âm lịch, đội lân cùa cậu đã bắt đầu nhận lịch biểu diễn từ các đơn vị, cơ quan hoặc nhà dân, nhưng năm nay không có “sô”, nên đành chịu thất nghiệp thôi anh. Nhưng biết làm sao được. Dịch bệnh nguy hiểm, trong khi múa lân sẽ tập trung đông người, nên việc tuân thủ các quy định về phòng dịch là cần thiết, để đảm bảo an toàn”- cậu nói.

Đêm nay tạnh ráo, nhưng nhiều mây, thỉnh thoảng trăng rằm vén mây rải ánh sáng lên đường phố. Tôi đứng ở ngã tư Trần Hưng Đạo- Trần Phú vắng ngắt dưới ánh đèn đường, chợt nhớ sao mà nhớ không khí náo nhiệt mọi năm, nhớ những chú lân sặc sỡ leo thang, phun lửa trong tiếng hò reo của mọi người.

Tết Trung thu vẫn ấm áp với những món quà được trao tận tay các em học sinh. Ảnh: HL

 

20 giờ. Anh bạn là giáo viên một trường trung học cơ sở trên Kon Plông gọi điện thông báo, những món quà trung thu đã được phát tận tay các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Rất cảm ơn sự sẻ chia, tình cảm của mọi người dành cho học sinh vùng sâu- anh nói.

Vậy là tôi đã tìm được lời đáp cho câu hỏi: Trung thu còn gì khi vắng bóng lân? Còn chứ. Vẫn còn những điều làm lòng ta ấm áp.

Tôi nghĩ đến những người ở tuyến đầu chống dịch. Nhiều tháng qua, và trong đêm rằm, họ vẫn căng mình chiến đấu với dịch bệnh. Bạn tôi đang cùng Đoàn công tác của tỉnh hỗ trợ chống dịch ở tỉnh Bình Dương chia sẻ, đêm qua, mọi người cùng đi tặng quà trung thu cho trẻ em ở vùng dịch. “Con gái mình gọi điện vào nói “ba đừng có lo, ở nhà, con được tăng quà trung thu rồi, có bánh, có đèn nữa”- bạn kể. Nghe mà ấm lòng.

Chợt thấy, trong đại dịch vẫn được thong dong đi ngoài phố trong tiết Trung thu thế này quả là một điều may mắn và hạnh phúc.

Và cách đón Tết Trung thu cũng được “chuyển hướng” kịp thời. Những chương trình, đêm hội hoành tráng được thay bằng hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng tới từng thôn, làng, trường học, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những bánh, những đèn, những chiếc xe đạp  được trao đến tận tay các em nhỏ, nhất là trẻ em nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

Khi được nhận những món quà ấm áp nghĩa tình ấy, trên gương mặt các em vẫn lấp lánh ánh vui, vẫn cảm nhận được không khí trung thu, dù không rộn rã trống lân, không hào hứng rước đèn trên phố.

Bởi còn đó những tấm lòng!

UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức đón Tết Trung thu cho trẻ em bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bố trí kinh phí và vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để thăm, tặng quà cho trẻ em; đặc biệt là con của những người đang ở tuyến đầu chống dịch, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng DTTS, miền núi, biên giới, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày, trẻ em đang thực hiện cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung. HL

Hồng Lam

Chuyên mục khác