​Tri kỷ của rừng

21/05/2018 13:02

Trong thâm tâm tôi, cũng như rất nhiều người đều tin rằng, nếu như mình yêu rừng một thì những cán bộ kiểm lâm phải yêu rừng mười. Bởi chỉ có như vậy họ mới chấp nhận gian khổ, thậm chí hy sinh để ngày đêm gắn bó với rừng, trực tiếp bảo vệ, giữ gìn và phát triển rừng...

Đời người - rừng cây

Nếu như điều kiện cho phép, trong tiếng vỗ tay, tôi đã chạy tới ôm chầm lấy bác cử tri già ngay tại hội trường để cảm ơn bác đã nói ra những lời từ đáy lòng ấy.

Hôm ấy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri ở một xã thuộc huyện Ngọc Hồi, đã có một số ý kiến phàn nàn về tình trạng phá rừng trái phép trên địa bàn. Liệu có tình trạng cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho các đối tượng này hay không- có người đặt câu hỏi.

Và bác cử tri già đã đứng lên. Bác nói về sự gắn bó của dân tộc mình với rừng, về tình yêu rừng của cá nhân mình, và đặc biệt hơn, bác phát biểu: Trong thâm tâm tôi, cũng như rất nhiều người đều tin rằng, nếu như mình yêu rừng một thì những cán bộ kiểm lâm phải yêu rừng mười. Bởi chỉ có như vậy họ mới chấp nhận gian khổ, thậm chí hy sinh để ngày đêm gắn bó với rừng, trực tiếp bảo vệ, giữ gìn và phát triển rừng...

Tôi cũng nghĩ như bác. Gần 20 năm làm báo, tôi đã tham gia nhiều chuyến vượt dốc, băng rừng, lội suối cùng lực lượng Kiểm lâm tỉnh để kiểm tra rừng; từng hân hoan reo hò khi gặp những cánh rừng già nguyên sinh; từng trăn trở khi gặp những vạt rẫy loang lổ soi thẳng vào rừng; từng xót xa tới rơi nước mắt, tim nhói đau khi gặp những gốc cây mới bị lâm tặc cưa hạ, nhựa còn ứa ra bầm đỏ…

Từ những chuyến đi này, tôi càng hiểu rõ hơn về công việc, về cuộc sống của những cán bộ Kiểm lâm. Với họ, rừng không chỉ là đối tượng bảo vệ mà còn là tri kỷ, gắn bó với họ suốt những năm tháng dài đằng đẵng. Họ đến với rừng không chỉ bằng tinh thần trách nhiệm mà còn bằng tình yêu và sự hy sinh.

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: T.H

 

Vì rừng, 45 năm qua, kể từ ngày lực lượng Kiểm lâm Việt Nam được thành lập, bao thế hệ đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu và tính mạng của mình để giữ màu xanh của núi rừng.

Cũng từ những chuyến đi này mà tôi có nhiều bạn đang khoác trên người bộ đồng phục xanh pha ánh vàng, một người trong số đó ở gần nhà. Hơn 20 năm gia nhập vào "mái nhà" Kiểm lâm, dấu chân của anh đã in khắp các cánh rừng vùng Mô Rai, Rờ Kơi (Sa Thầy), Bờ Y, Sa Loong (Ngọc Hồi); đã trực tiếp tham gia hàng chục lần chữa cháy rừng và cũng nhiều phen phải đối mặt với lâm tặc.

Hơn 20 năm qua, số lần anh có mặt ở nhà đón giao thừa với gia đình, vợ con đếm không hết 10 đầu ngón tay "vì lâm tặc hay lợi dụng dịp này để thực hiện ý đồ xấu".  Ngày lễ, ngày thường anh cũng đi biền biệt, đến độ khi làm đề văn "tả người mà em yêu quý nhất", cậu con trai học lớp 3 đã chọn anh thanh niên... hàng xóm, vì cậu ta thường chở cu cậu đi học.

Lâu lâu mới về được một ngày, anh lại lụi hụi với luống đất bên hông nhà, nhổ cỏ, xới đất, bón phân, mua hạt giống về gieo, rồi tíu tít chở con đến lớp, dẫn con đi mua sách... Anh như muốn bù lại cho vợ con những ngày tháng vắng chồng, vắng cha.

Để rồi sáng hôm sau, khi con trẻ còn say giấc, chị lại bịn rịn đứng sau cánh cổng nhìn chiếc xe máy phủ đầy đất đỏ của chồng khuất dần. Xa gia đình dằng dặc năm tháng, hẳn rằng cũng có lúc nao lòng, nhưng tôi dám chắc một điều: anh bạn tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ buông bỏ.

Đời người - rừng cây. Cuộc đời anh và đồng đội luôn gắn với rừng, dù rằng trước đây, và cả sau này, đã và sẽ có người mỏi chân chùn bước, có người vì mưu sinh mà rẽ ngang, có người không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị mua chuộc, khống chế, bị lợi ích kinh tế nhất thời che mắt mà lầm đường lạc lối...

Vẫn vững niềm tin

Có lần, trong một cuộc trò chuyện, tôi đã hỏi anh Nguyễn Tấn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh rằng, trong cuộc chiến giữ rừng đầy cam go hiện nay, có khi nào anh lo người của mình nao núng không? Hoặc thoái hóa, biến chất để rồi sa ngã, "bắt tay" đối tượng xấu làm xằng làm bậy?

Không né tránh câu hỏi có phần gai góc ấy, Chi cục trưởng Nguyễn Tấn Liêm thẳng thắn: Đã có nhiều người hỏi những câu hỏi này, và hỏi từ lâu rồi. Chúng dằn vặt và khiến chúng tôi ray rứt vô cùng. Dù là thế nào đi chăng nữa, khách quan hay chủ quan, khi mất rừng, trách nhiệm đầu tiên luôn thuộc về những người được giao nhiệm vụ chủ rừng, thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng.

Kiểm đếm gỗ tang vật. Ảnh: T.H

 

Theo anh, trong lực lượng Kiểm lâm do Chi cục quản lý vẫn còn một số người thiếu tinh thần trách nhiệm, chủ quan, chưa bám sát công việc và địa bàn nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao; một số Kiểm lâm địa bàn chưa phát huy hết trách nhiệm, chưa thường xuyên bám địa bàn, chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương các giải pháp kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc; việc tuần tra, kiểm tra, phát hiện, báo cáo các vụ vi phạm trên địa bàn không kịp thời...

Nhưng vượt qua những ánh mắt nghi ngờ, vượt qua những lời đồn đoán, đội ngũ cán bộ, kiểm lâm viên chân chính vẫn vững niềm tin, vẫn kiên cường bám rừng và giữ rừng. Với Chi cục trưởng Nguyễn Tấn Liêm và các cộng sự, tôi tin trong đầu họ lúc nào cũng thường trực ý nghĩ về rừng; lúc ăn, ngủ, khi vui, buồn, ước mơ, hy vọng…, tất thảy đều có bóng dáng rừng.

Có thể nói, rừng đã trở thành một phần máu thịt của họ. Vì có ai trong số họ mà chẳng từng cống hiến tất cả những năm tháng tuổi trẻ cho sự bình yên của những cánh rừng?

Cũng từ đó mà hàng loạt điểm nóng về phá rừng làm nương rẫy, khai thác trái phép, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép đã được phát hiện kịp thời và ngăn chặn. Cả mùa khô 2017-2018, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trên tất cả các phương diện, từ tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc tuần tra, truy quét, giải quyết các điểm nóng trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh, trật tự khu vực dọc tuyến biên giới đến phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Vì vậy, so với năm 2016, tổng số vụ vi phạm năm 2017 giảm 7 vụ (1%), khối lượng gỗ vi phạm giảm 129,02 m3 gỗ các loại (5%), diện tích thiệt hại giảm 1,97 ha (16%). Riêng trong quý I/2018, số vụ vi phạm giảm 16%, khối lượng gỗ vi phạm giảm 69%, diện tích rừng thiệt hại giảm 23% so với quý I/2017.

Còn nhiều những con số đáng kể khác nữa mà lực lượng Kiểm lâm Kon Tum đã làm được trong suốt những năm qua, tuy vậy, như Chi cục trưởng Nguyễn Tấn Liêm bình luận, quan trọng nhất là, Kiểm lâm Kon Tum- bằng nỗ lực bền bỉ trên nhiều “mặt trận”- đang quyết tâm làm thay đổi những ánh nhìn nghi ngờ, những lời đồn đoán sau mỗi vụ việc.

Nghe vậy, tôi lại nhớ đến cái xe máy cà tàng, chỉ còn lại một bên bửng, luôn bê bết bụi đỏ vì đi rừng của anh bạn kiểm lâm gần nhà; ánh mắt dõi theo đau đáu của người vợ.

Và nhớ hơn cả là giọng nói điềm tĩnh của người đã quen với sự trầm mặc của rừng: Bước vào ngành kiểm lâm, là phải chấp nhận cuộc sống hiểm nguy, xa gia đình, sinh hoạt không theo “quy luật” gì cả ông ạ...

          Thành Hưng

Chuyên mục khác