​Thành phố Kon Tum: Người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi

06/06/2018 07:00

​Người cao tuổi ở thành phố Kon Tum hiện có 9.909 cụ, trong đó 8.076 cụ là hội viên Hội Người cao tuổi Việt Nam. Trong 5 năm qua (2012-2017), hưởng ứng phong trào “Tuổi cao gương sáng” của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động, nhiều cơ sở hội và hội viên đã gương mẫu thực hiện nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi.

Chúng tôi cùng ông Huỳnh Đăng Hải – Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Kon Tum đến thăm trang trại của cụ Lê Thị Thạnh -  76 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tuấn nằm dọc theo dòng sông Đăk Bla đoạn đi qua địa phận làng Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, nơi có bãi khai thác cát sạn do Công ty của cụ quản lý. Đứng nhìn bãi đất trồng cỏ để chăn nuôi bò xanh tốt, chúng tôi vô cùng cảm phục ý chí làm giàu của cụ khi tuổi đời đã quá “thất thập cổ lai hy”.

Cụ Lê Thị Thạnh cho biết: Công ty của cụ chuyên khai thác cát sạn từ năm 2009 đến nay với vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng. Hàng tháng, Công ty thu hút 10 lao động với mức lương từ 4-5 triệu đồng. Năm 2017 vừa qua, doanh thu của Công ty trên 1,95 tỷ đồng, sau khi đóng thuế 451 triệu đồng cùng các khoản chi phí khác cho nhân công, cụ lợi nhuận được 100 triệu đồng. Ngoài ra, cụ còn trồng 2 ha sầu riêng và xoài có xen trồng bí ngô và bắp nếp, trồng cỏ để nuôi 25 con bò thịt và bò sinh sản, nên có thu nhập 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động là người dân tộc thiểu số với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng.

Cụ bà Lê Thị Thạnh thăm đàn bò của gia đình tại trang trại thôn Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa

 

Ông Huỳnh Đăng Hải cho biết: Nhờ có các nghị quyết của Thành ủy Kon Tum về giãn dân, tách hộ, lập vườn; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nên trong 5 năm qua (2012-2017), thành phố đã có hàng trăm gia đình các cụ thoát nghèo, gần 200 gia đình các cụ từ nghèo khó vươn lên khá giả, có của ăn của để, nuôi dạy con cháu học hành thành đạt, có nhà cửa khang trang, tiện nghi gia đình đầy đủ, đảm bảo cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài khi tuổi về già.

Đặc biệt, toàn thành phố đã có 174 cụ sản xuất, kinh doanh giỏi (139 cụ sản xuất trồng trọt, 23 cụ kinh doanh dịch vụ, 12 cụ chăn nuôi kết hợp) có thu nhập từ 50-800 triệu đồng/năm. Trong đó, 4 cụ thu nhập từ 500-800 triệu đồng, 12 cụ thu nhập từ 400-500 triệu đồng, 16 cụ thu nhập từ 300-400 triệu đồng, 32 cụ thu nhập từ 200-300 triệu đồng, 50 cụ thu nhập từ 100-200 triệu đồng và 60 cụ thu nhập từ 50-100 triệu đồng.

Ngoài cụ Lê Thị Thạnh nói trên, cụ Lê Minh 65 tuổi, trú tại thôn Ia Hội, xã Đăk Năng trồng 2 ha cao su, 1,5 ha cà phê, có xen cây mì để lấy ngắn nuôi dài, nên thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí cụ còn lời trên 250 triệu đồng.

Cụ A Miu 64 tuổi, trú tại thôn Klei Klech, xã Ngọc Bay canh tác 4,3 ha, trong đó 1,5 ha cao su, 1,5 ha cà phê, 1 ha mì, 0,3 ha bời lời và thu về trên 200 triệu đồng/năm. Có tiền, cụ A Miu đã đầu tư 1 chiếc máy cày để phục vụ sản xuất gia đình và giúp bà con trong làng cày bừa, vận chuyển nông sản.

Cụ Nguyễn Văn Tiên 65 tuổi, trú tại tổ 4, phường Quyết Thắng canh tác 6 ha đất, trong đó 3 ha sầu riêng, 1,5 ha cà phê, 1,5 ha bời lời. Xác định phương án tối ưu là lấy ngắn nuôi dài, nên cụ trồng xen canh các loại cây như: mì, đậu các loại và có thu nhập từ 700-750 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí cụ còn lãi từ 400-500 triệu đồng/năm…

Theo báo cáo của Hội Người cao tuổi thành phố Kon Tum, đến nay, người cao tuổi toàn thành phố đã trồng được 123 ha cao su, 35 ha cà phê, 25 ha bời lời, 48 ha mì, 28 ha lúa, 1.100 cây ăn quả các loại, 127 ha bắp, 83 ha rau màu, 28.000 con gia cầm, 840 con heo, 4.100 con bò... Ngoài ra, còn có 1 công ty chuyên khai thác vật liệu xây dựng, 18 cửa hàng tạp hóa, 1 cơ sở nuôi dạy trẻ, 3 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung.

Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của người cao tuổi thành phố Kon Tum còn gắn kết với phong trào bảo vệ môi trường và chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả, người cao tuổi toàn thành phố đã chăm sóc được 25 ngàn cây cảnh và cây bóng mát để làm đẹp đô thị và nông thôn; vận động nhân dân tham gia hiến 6.458 m2 đất, chặt 525 cây cà phê và bời lời, tham gia 1.825 ngày công, đóng góp 246 triệu đồng để làm đường bê tông nông thôn, góp phần đạt chuẩn nông thôn mới tại 3 xã: Đoàn Kết, Ia Chim, Hòa Bình..

Ông Huỳnh Đăng Hải khẳng định: Trong 5 năm qua, phong trào người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn thành phố đã phát huy được vai trò của người cao tuổi trong việc sản xuất kết hợp với chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài, đem lại kết quả thu nhập cao. Trong kinh doanh dịch vụ thương mại đã tận dụng được cơ hội, điều kiện cho phép lúc đầu quy mô nhỏ, phát triển dần và kết hợp đa nghề để phát triển. Qua đó, phong trào đã có tác dụng động viên người cao tuổi có sức khỏe, có ý chí và nghị lực, tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả gắn liền với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đường phố xanh-sạch-đẹp. Hơn nữa, người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập, có điều kiện sẵn sàng đóng góp xây dựng khu dân cư, giúp đỡ người khó khăn, tham gia tích cực công tác xã hội, tham gia mọi phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng khu dân cư vững mạnh, là tấm gương sáng cho nhân dân và con cháu noi theo.

                                                          Bài và ảnh: Vĩnh Hà

Chuyên mục khác