​Những người thầy tận tụy “gieo chữ” nơi vùng sâu

17/11/2017 07:07

​Khó có thể nói hết được sự vất vả của người giáo viên vùng sâu vùng xa. Vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp trồng người, họ cần mẫn, tận tụy “ươm mầm” cho những ước mơ của các em học sinh nơi vùng khó bay xa…

Vợ chồng thầy Trần Nhật Lam- Hiệu trưởng Trường PTBT THCS Mường Hoong (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) là một trong nhiều trường hợp điển hình với sự tận tụy “gieo chữ” nơi vùng sâu. Vợ chồng thầy Lam gắn bó dưới chân núi Ngọc Linh gần 20 năm nay. Chồng dạy ở xã Mường Hoong, vợ dạy ở xã Ngọc Linh. Suốt gần 20 năm công tác ở Mường Hoong, thầy Lam đã rèn và dạy bao lớp thế hệ học sinh ở nơi này và không ít người đã trưởng thành.

Với vợ chồng thầy Lam, gần như ai ở Mường Hoong và Ngọc Linh đều biết đến. Bởi, họ đã đi khắp các thôn làng, thuộc từng lối rẽ. Ấy vậy mà giờ đây, dù đã có 2 con, vợ chồng thầy vẫn ăn cơm tập thể, ở nhà tập thể ngay trong ngôi trường của mình. Người con lớn của vợ chồng thầy phải gửi ra người nhà ở trung tâm huyện Đăk Glei học tập. Có khi nửa tháng vợ chồng thầy Lam mới ra thăm con một lần.

Thầy Lâm luôn quan tâm động viên học sinh. Ảnh: V.P

 

Thầy Lam kể: Giờ Tỉnh lộ 673 được đổ nhựa mới dễ đi hơn nhiều. Chứ trước đây khi đường chưa làm, việc đi lại từ xã ra huyện vất vả lắm. Mùa mưa đi cả ngày mới ra được đến trung tâm huyện. Vì vậy, vợ chồng mình có khi cả tháng đến 2 tháng mới ra thăm con được. Chỉ biết điện thoại ra động viên con chịu khó học, ngoan…

Vất vả là vậy, nhưng khi tâm sự với chúng tôi, ánh mắt của thầy Lam vẫn hiện lên niềm vui khi có không ít người học trò của mình đã trưởng thành, thành đạt. Như trường hợp của A Thiên- hiện là bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei; em Y Hồng, A Vang…hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Quy Nhơn…Những tấm gương học trò ấy là lớp thế hệ được thầy Lam và các thầy cô giáo ở Mường Hoong kiên trì gieo ươm. Đó cũng là niềm vui và động lực để thầy Lam cũng như những thầy cô giáo ở vùng sâu Mường Hoong, Ngọc Linh tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Cũng vất vả không kém, những thầy cô giáo ở vùng khó Tu Mơ Rông đã và đang khắc phục mọi khó khăn để “gieo chữ” và hun đúc cho những ước mơ của lũ trẻ vùng sâu dưới chân núi Ngọc Linh Tu Mơ Rông. Tôi đã được chứng kiến nhiều cảnh tượng, vào mùa mưa, trên chiếc xe máy được cột, đèo đủ thứ như gạo, thực phẩm, rau, cá khô…phục vụ sinh hoạt, những thầy cô giáo hàng tuần chạy từ Đăk Tô vào Tu Mơ Rông giảng dạy. Khó khăn là vậy nhưng suốt 12 năm qua (kể từ khi tách huyện 2005 đến nay), nhiều thầy cô giáo đã vượt mọi khó khăn, gắn bó với Tu Mơ Rông bám trường bám lớp như trường hợp thầy Nguyễn Ngọc Dũng (Trường bán trú Tiểu học Ngọc Yêu), thầy Tưởng Văn Quang (Trường PTBT THCS Măng Ri)…

Tâm sự với chúng tôi, thầy Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: Việc đi lại vào xã Ngọc Yêu mới đỡ vất vả khoảng 2 năm nay, kể từ khi con đường Tu Mơ Rông- Ngọc Yêu được đổ bê tông. Còn những năm trước việc đi lại rất vất vả, đặc biệt là vào mùa mưa. Nhiều hôm xe máy không thể đi được đành đi bộ mất cả nửa ngày đường mới tới. Nếu không yêu nghề thì khó có thể vượt qua được.

Theo lời thầy Dũng kể, để huy động triệt để học sinh trong độ tuổi đến trường và duy trì sĩ số, ngay từ khi chuẩn bị vào năm học mới, nhà trường đã cùng chính quyền xã tổ chức vận động phụ huynh cho các em đến trường. Mỗi khi có học sinh vắng mặt không lý do, giáo viên đến tận nhà để tìm hiểu, hỏi thăm, vận động đến trường. Có thôn ở xa, để đến được nhà dân phải lội bộ vài cây số đường rừng. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đi rất vất vả, nhiều khi lốp xe máy phải quấn dây xích mà vẫn còn trơn trượt, ngã lên ngã xuống…

Không chỉ vượt khó khăn để “gieo chữ”, những thầy cô giáo vùng sâu Tu Mơ Rông còn chăm lo cho các em học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ. Không chỉ giáo viên, mà đích thân những thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường cũng vào bếp lo từng bữa ăn cho các em học sinh. Điều này tôi đã được chứng kiến nhiều ở các trường học trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Mới đầu tôi cũng ngạc nhiên, nhưng khi nghe những lời tâm sự của các thầy cô tôi càng khâm phục.

Thầy Tưởng Văn Quang- Hiệu trưởng Trường PTBT THCS Măng Ri tâm sự: Vì điều kiện còn nhiều thiếu thốn nên giáo viên nhà trường phân công nhau cùng nấu cơm phục vụ học sinh, kể cả ban giám hiệu. Có bữa ăn bán trú buổi trưa, học sinh học tốt lên rất nhiều. Các em buổi sáng được học chính khóa, ăn trưa xong nghỉ ngơi để buổi chiều được thầy cô phụ đạo thêm.

Thầy cô giáo không chỉ dạy cho học sinh thân yêu của mình từng con chữ mà họ còn chăm chút từng bữa ăn cho học sinh. Ảnh: V.P

 

“Nấu ăn cho học sinh cũng như nấu ăn cho mình. Nhìn thấy các em ăn bữa cơm ngon, nóng, bảo đảm sức khoẻ, học tiến bộ, anh em giáo viên tuy chịu cực một chút nhưng ai cũng vui lòng”- Thầy Quang chia sẻ.

Những việc làm mà thầy cô giáo ở vùng sâu Đăk Glei và Tu Mơ Rông nói riêng, các địa bàn khác nói chung thật đáng trân trọng. Niềm vui đối với họ là được nhìn thấy học sinh trưởng thành, người dân quý trọng.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, với họ không có những bó hoa đẹp rực rỡ như những thầy cô giáo ở vùng thuận lợi; nhưng những đóa hoa rừng được ngắt vội, hay món quà tặng chỉ là bó rau, cái bắp chuối hoặc quả bầu, quả bí trong vườn được các em học sinh và phụ huynh mang đến chúc mừng làm cho họ ấm lòng.

Món quà nhỏ kia, dù giản dị nhưng nó lại có ý nghĩa rất lớn, động viên các thầy cô để họ tiếp tục gắn bó và tận tụy với công việc “gieo chữ” ở những nơi còn nhiều khó khăn như Tu Mơ Rông, Đăk Glei...

Văn Phương

Chuyên mục khác