​Nâng cao ý thức và khả năng phòng tránh thiên tai cho người dân

10/10/2018 07:06

Nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hàng năm tỉnh ta thường phải đối mặt với lũ quét và hạn hán. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng tránh thiên tai cho người dân và tăng cường trồng rừng.

Trước biến đổi khí hậu với sự nóng lên của trái đất, thiên tai ngày càng cực đoan, khó đoán định, tác động ngày càng nặng nề lên đời sống con người và sinh vật trên hành tinh. Việt Nam chúng ta là nơi chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu như nước biển dâng; bão lũ, nắng hạn ngày càng bất thường hơn.   

Cầu treo Tà Pooc, xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) bắc qua sông Pô Kô bị lũ cuốn trôi. Ảnh: V.N

 

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, hàng năm, tỉnh ta cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Thống kê từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 4 người chết, 6 người bị thương; 546 nhà bị thiệt hại, 12 trường học bị hư hỏng và tốc mái; 1.110 ha cây trồng các loại bị thiệt hại, 264 con gia súc, 1.429 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 13 thuỷ lợi bị hư hỏng, 4 thuỷ lợi bị vỡ; các tuyến đường Quốc lộ 14C, 24, 40, 40B, tuần tra biên giới, đường Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Ngọc Hoàng - Măng Bút- Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, Tỉnh lộ 671, 672, 673, 674, 675 và nhiều tuyến đường liên xã ở các huyện bị sạt lở nặng; 53 công trình cầu, cống, ngầm, rãnh thoát nước bị hư hỏng, sạt lở. Tổng thiệt hại thiên tai gây ra ước trên 250 tỷ đồng.

Có những vùng như ở thôn 3, thôn 4, thôn Ia Der, thôn Chư Hem, xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai) trước đây người dân ít khi bị ảnh hưởng của mưa lũ,  thì tháng 8 năm nay lũ về bất ngờ làm nhiều nhà dân bị ngập nước, có nhà bị sập và trôi.

Cũng tương tự như vậy, nhiều nhà dân ở xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) bị ảnh hưởng do ngập nước; nhiều diện tích cây trồng bị vùi lấp hoặc ngập úng; nhiều con trâu, bò bị chết...

Lại có những vùng, hàng năm vào mùa mưa, người dân và các cấp chính quyền phải thường xuyên đối mặt với lũ quét, sạt lở đất như ở huyện Tu Mơ Rông và năm nay cũng không ngoại lệ, mưa lũ đã gây ra những thiệt hại đáng kể.

Đường vào xã Đăk Sao, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) đầy bùn. Ảnh: V.N

 

Trong đợt mưa lũ tháng 8 vừa qua, huyện Tu Mơ Rông có gần 200 hộ dân ở thôn Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông), thôn Tu Thó (xã Tê Xăng), thôn Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông)... nằm trong vùng lũ quét, sạt lở đất phải buộc phải di dời. Những thiệt hại về kinh tế, sản xuất và hạ tầng kỹ thuật…, do mưa lũ gây ra cho địa phương và người dân, tuy chưa thống kê đầy đủ nhưng không hề nhỏ, đồng thời đây chính là tác nhân đẩy lùi sự phát triển; huyện Tu Mơ Rông vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn.   

Theo ông Văn Tất Cường- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, năm nay, UBND tỉnh xuất 6,2 tỷ đồng và các huyện 3,62 tỷ đồng để tổ chức sơ tán, di dời dân nằm trong vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở đất đến nơi ở an toàn.

Tuy nhiên, về lâu dài, các huyện, sở, ngành cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, lập các dự án xây dựng khu tái định cư an toàn, tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất và nâng cao đời sống. Nói thì dễ, nhưng trong điều kiện địa hình đất dốc, việc tìm kiếm mặt bằng để xây dựng nhà cửa, có đất sản xuất thuận lợi bảo đảm cho dân “an cư lạc nghiệp” lại không dễ chút nào. Đã có bài học về xây dựng khu tái định cư vùng sạt lở đất, nhưng người dân không về nơi ở mới vì không phù hợp với điều kiện sống của dân, buộc chúng ta phải cân nhắc, tính toán kỹ về vùng quy hoạch phù hợp trước khi tổ chức tái định cư lâu dài cho dân. Ông Văn Tất Cường chia sẻ với chúng tôi. 

Trong việc phòng tránh, để hạn chế thấp nhất thiệt hại thiên tai gây ra, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, ý thức phòng tránh thiên tai cho người dân; quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng và trồng rừng phòng hộ.

Thực tế những năm gần đây cho thấy, mùa mưa nước lũ về nhanh hơn, khốc liệt hơn; mùa khô thường thiếu nước sinh hoạt và sản xuất bởi nguồn sinh thuỷ từ rừng không đảm bảo hay nói đúng hơn là ngày càng cạn kiệt.

Khôi phục tài nguyên rừng, nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai, tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng có cuộc sống ổn định và phát triển, không xâm hại rừng, chúng ta sẽ góp phần hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra.

                                                                             Văn Nhiên

Chuyên mục khác