​Khi phóng viên viết bài chống tiêu cực

14/10/2017 06:03

​Thời gian qua, Báo Kon Tum đã đăng tải không ít bài viết đấu tranh chống tiêu cực. Để có tác phẩm chống tiêu cực xuất hiện trên mặt báo, trước đó phóng viên đã không ngại vất vả, rủi ro trèo đèo lội suối, bám đề tài, thu thập thông tin...

Trong những lúc trò chuyện cùng nhau, không ít phóng viên chia sẻ rằng, rất ít khi và thậm chí không muốn viết tiêu cực. Bởi lẽ, thời gian theo đuổi đề tài nhạy cảm này, người cầm bút rất gian truân, chịu không ít sự mạo hiểm về tai nạn nghề nghiệp. 

Một đồng nghiệp chia sẻ, hiện nay độc giả xem báo nghe đài vẫn biết rừng ở Tây Nguyên đã gần như cạn kiệt, Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng nhiều năm. Nhưng những bài báo cứ lần lượt phản ánh chỗ kia, chỗ nọ cây rừng còn tí chút đầu nguồn vẫn bị lâm tặc chặt hạ không thương xót. Hay việc khai thác tài nguyên cát sỏi, khoáng sản vẫn diễn ra ngang nhiên hàng chục năm qua, nhưng ngành chức năng (lẫn địa phương) cấm chỗ này, bắt chỗ kia rồi vẫn như cũ.

Có đồng nghiệp kể rằng, anh đã theo chân của người dân tố giác vào tận rừng sâu, chỉ với lý do nguồn nước sạch đầu của cả làng bị kẻ xấu xâm phạm, chặt hạ cây rừng chèn mất lối đưa nước về cho bà con sử dụng.

“Một khi say với nghề, lăn lộn ở rừng sâu thân cô thế cô, tôi chỉ biết tin tưởng bám vào bà con, như họ đã tin, mật báo và dẫn lối cho tôi đi… để phát hiện, góp tiếng nói bảo vệ cho rừng xanh, bảo vệ nguồn nước sạch đầu nguồn” - anh đồng nghiệp nói thêm.

Sau khi thu thập được thông tin, phóng viên căng mình nghiền ngẫm và tự bơi giữa ngồn ngộn thông tin thu thập để cho ra sản phẩm như ý. Đến khi “đứa con tinh thần” ra đời, dưới sự kiểm duyệt gắt gao của Ban Biên tập, sản phẩm mới được đăng tải. Bài đã đăng, phóng viên lại nghe ngóng thông tin, tiếp nhận sự phản hồi.

Thông thường những bài báo mang tính chất điều tra, phanh phui cái xấu, tiêu cực mang tính phát hiện sớm bao giờ cũng có sức “công phá” rất lớn. Nó có thể là thêm việc cho chính phóng viên điều tra viết bài, đến Ban Biên tập bị “thổi còi” kiểm tra lại nguồn thông tin, yêu cầu đính chính thông tin xác thực không. Chưa kể, có trường hợp đồng nghiệp khác cũng được cấp thông tin, đã đi và trở về có sản phẩm thể hiện nội dung ngược lại, ra sức giãi bày hoặc minh oan làm giảm độ mức độ sai phạm của chính vụ việc đấy. Nên chuyện lãnh đạo, phóng viên nhận những lời đe dọa từ phía các đối tượng có hành vi vi phạm bị đề cập trong bài viết không phải là hiếm.

Một thực tế nữa, khi viết bài phản ánh tiêu cực, phóng viên gặp hàng loạt những ngõ ngách, quanh co, đến sự cám dỗ vật chất… mong người viết bỏ qua cái sai. Do đó, phóng viên rất khó tiếp cận thông tin chính thống, đối với mặt trái vấn đề sai phạm, tiêu cực.

Những lúc như thế, phóng viên bằng tất cả bản lĩnh, nghiệp vụ từng trải để tìm tòi tư liệu, phản ánh. Lúc này, một số lãnh đạo đơn vị bị đề cập mới xuất hiện giãi bày, hoặc mạnh hơn là bẻ câu, chữ để phản bác báo chí, hô hào sẽ khiếu kiện…

Những tình huống xấu sẽ đến khi bài báo đăng tải. Tuy nhiên, người làm báo Báo Kon Tum không bị bỏ rơi. Phóng viên có sự quản lý, hỗ trợ của Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn xem xét, trao đổi nghiệp vụ cung cấp thêm bằng chứng, tư liệu hồ sơ xác thực để viết tiếp các bài phản bác sự thật, hay làm việc trực tiếp với đơn vị sai phạm (nếu có yêu cầu). Thêm nữa, họ còn có thêm nhiều đồng nghiệp chia sẻ, cùng tham gia chống tiêu cực, đấu tranh chống cái xấu, cái sai.

Những lúc đó, phóng viên không nhụt chí; ngược lại, được tiếp thêm tình yêu nghề, không ngại lăn xả đi vùng sâu vùng xa, nơi nguy hiểm chực chờ và không ngại sự rủi may nghề nghiệp đang ở phía trước.

Mai Trâm

 

Chuyên mục khác