​Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch

09/07/2018 07:04

​Có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch nhưng đến nay, Kon Tum vẫn chưa tận dụng được những lợi thế ấy để đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Truyền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Nguyên nhân dẫn đến ngành Du lịch tỉnh chậm phát triển thì có nhiều. Có thể nêu một vài nguyên nhân chính như nguồn ngân sách tỉnh còn eo hẹp nên việc đầu tư phát triển ngành Du lịch trong thời gian qua rất ít. Tỉnh chưa có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du lịch; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa liên kết với nhau để đầu tư phát triển du lịch và thu hút khách; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Du lịch vừa thiếu, vừa yếu; dịch vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh còn nghèo nàn, chưa tạo được thương hiệu và dấu ấn riêng để thu hút du khách…

Lễ hội đường phố thu hút đông đảo du khách đến xem. Ảnh: Q.Đ

 

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch; trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố về khai thác cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nên chuỗi giá trị trong mối liên kết vùng và liên vùng để phục vụ phát triển du lịch, đưa ngành này trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đặc biệt, năm 2017, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình 35-CTr/TU (ngày 18/5/2017) về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW (ngày 16/1/2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, ngày 1/8/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2058/KH-UBND về thực hiện Chương trình 35 của Tỉnh ủy và Quyết định số 1607/QĐ-UBND (ngày 28/12/2016) phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khác để phát triển ngành du lịch.

Theo Quyết định số 1607, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tổng lượt khách đạt 24,3%; đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch đạt 727.000 lượt (trong đó, khách quốc tế 322.000 lượt, khách nội địa 405.000 lượt); doanh thu du lịch tăng hơn 3 lần so với năm 2015, tạo việc làm cho 2.860 lao động; tăng cơ sở lưu trú lên 235 cơ sở, số lượng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao gấp 2 lần so với năm 2015; công suất sử dụng phòng đạt 73,5%; công nhận ít nhất 2 khu du lịch cấp tỉnh , từ 3-5 điểm du lịch cấp huyện; đầu tư và phát triển ít nhất 3 làng du lịch cộng đồng... 

Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như: Tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; về ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng phong cách ứng xử văn minh…

Chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; tập trung nguồn lực và có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính để đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị; tập trung phát triển hệ thống cơ sở lưu trú theo hình thức nhà có phòng cho thuê, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, đặc biệt tại một số làng đồng bào DTTS...

Nghiên cứu thị trường mục tiêu của du lịch Kon Tum nhằm định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, phát huy được tài nguyên du lịch, lợi thế của Kon Tum; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của tỉnh, tập trung vào các sản phẩm du lịch; định vị thương hiệu du lịch Kon Tum.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lao động du lịch; chất lượng đào tạo của các cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch cho doanh nghiệp du lịch, người lao động và cộng đồng; khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực phù hợp với nhu cầu thực tiễn; khuyến khích phát triển và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các nghệ nhân, các hoạt động văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa phục vụ du lịch…

                                                                                 Quang Định

Chuyên mục khác