20/03/2019 13:11
Một năm có tổng cộng 365 ngày với rất nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm, nhưng ngày Quốc tế Hạnh phúc mang một ý nghĩa rất nhân văn và sâu sắc. Bởi hạnh phúc là đích đến của mỗi con người trong cuộc sống. Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, xin luận bàn về chủ đề “hạnh phúc là gì”?
Trong cuộc sống, có rất nhiều quan điểm, cách nhìn khác nhau về hạnh phúc. Nhiều người cho rằng “hạnh phúc là cho đi, là sống vì người khác”, “hạnh phúc là được ở bên người mình quý mến, ở nơi mà mình thích mà không muốn ra đi” hay “hạnh phúc là được tự do, được làm điều mình thích”, “hạnh phúc là khi trong cuộc sống này không còn có người nghèo”, “hạnh phúc là khi không còn nhìn thấy trẻ em, phụ nữ bị ngược đãi, bị bạo hành”, “hạnh phúc là khi con cái có được một mái ấm gia đình mà ở đó có cả cha lẫn mẹ”…
Đứng ở góc độ triết học, Các Mác đã định nghĩa: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Trong triết học, đấu tranh là một sự chuyển hóa, loại trừ giữa các mặt đối lập, hướng tới giải quyết những mâu thuẫn, những mặt tồn tại của sự vật, hiện tượng để hướng tới cái tiến bộ, hoàn thiện hơn. Lịch sử xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp. Các giai cấp đối lập trong xã hội luôn luôn đấu tranh với nhau mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn về mặt lợi ích (cơ bản là lợi ích kinh tế). Các cuộc đấu tranh này suy cho cùng đều nhằm mục đích cải tạo hoặc thay thế xã hội đương thời đã lỗi thời, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho đại đa số người dân trong xã hội. Khi cuộc sống của đại đa số người dân trong xã hội được cải thiện sẽ mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho con người…
Cho đến nay, dù khái niệm “hạnh phúc” là gì vẫn chưa nhất quán và mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau, nhưng chắc hẳn cũng có rất nhiều người sẽ cùng thống nhất với cách nhìn nhận: “Hạnh phúc chính là thỏa mãn điều mà mình khao khát đạt được”. Từ điển tiếng Việt cũng đã định nghĩa về “hạnh phúc” là chỉ trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.
Tôi đã bắt gặp cụ bà Đặng Thị Phương, ngoài 80 tuổi, sống neo đơn trong căn nhà lụp xụp chẳng có gì đáng giá ở phường Duy Tân (thành phố Kon Tum), lại nay ốm mai đau, nhưng cứ hết bệnh thì bà lại đi quyên góp từ thiện rồi thuê xe chở đến các thôn làng xa xôi cho người nghèo. Hơn 20 năm, bà Phương rong ruổi khắp các thôn làng vùng sâu, vùng xa ở Kon Tum. Khi được hỏi động lực để làm những việc này, bà cụ cười hiền lành trả lời đơn giản “đó là vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ phần nào khó khăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.
Ở Kon Tum hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đam mê hoạt động từ thiện với mong muốn được giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh còn khó khăn. Một trong những nhóm người trẻ tuổi có rất nhiều hoạt động thiện nguyện được các cấp tuyên dương, khen thưởng là chi hội “I love Kon Tum” trực thuộc Hội Bảo trợ quyền trẻ em và người khuyết tật tỉnh Kon Tum. Chia sẻ về điều này, anh Trần Văn Cao Sang - chi hội trưởng “I love Kon Tum” cho biết: “Với những người trẻ trong chi hội chúng tôi luôn quan niệm một điều rằng hạnh phúc đơn giản là biết cho đi, là được mang niềm vui đến cho những mảnh đời bất hạnh để rồi hạnh phúc sẽ được nhân lên”.
Trong một lần phỏng vấn về niềm mơ ước của các em bé mồ côi, lang thang cơ nhỡ được đưa về Trung tâm Công tác xã hội thành phố Kon Tum, tôi được một cậu bé trả lời rất xót xa: Với con, nếu được sống cùng cả ba lẫn mẹ đó là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất…
Điều đó nói lên rằng, hạnh phúc là đích đến của mỗi con người trong cuộc sống. Hạnh phúc không phải là một khái niệm quá trừu tượng. Một người gặp cảnh đói khát thì niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất mà họ ước ao là có được những bữa cơm ngon. Một người giàu lòng nhân ái, niềm hạnh phúc lớn nhất của họ là được chia sẻ yêu thương, khó khăn với những mảnh đời bất hạnh. Hoặc khi đứa trẻ thiếu vắng mẹ, cha thì niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời là mong sao có được cha mẹ ở bên cạnh. Các bậc cha mẹ nỗ lực chăm lo cho con cái với mong ước sau này con mình sẽ được thành danh đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời…
Trong xã hội, có rất nhiều người vẫn nhầm tưởng, khái niệm hạnh phúc chỉ dành cho lứa đôi, cho những gia đình có “đủ đôi đủ cặp”, còn với những người chấp nhận cuộc sống đơn thân không bao giờ hiểu được ý nghĩa của 2 từ hạnh phúc là gì. Cách nhìn nhận này là hoàn toàn phiến diện, mang tính chất áp đặt. Bởi những người chấp nhận cuộc sống đơn thân vẫn tìm thấy được niềm hạnh phúc khi họ được sống và được làm những điều tốt đẹp, ý nghĩa cho cuộc đời mà bản thân từng ao ước sẽ làm được.
Ai cũng có quyền được hạnh phúc và mong ước được hạnh phúc. Trong Hiến chương Liên Hợp quốc cũng đã ghi rõ: “Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng, hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người”.
Và tôi đã đọc được ở đâu đó lời bình phẩm của một người mà bản thân rất tâm đắc: “Hạnh phúc là cảm giác phúc lạc, an lạc trong tâm hồn và mãn nguyện với đời sống lâu dài. Đó là điều mà tất cả chúng ta cùng tìm kiếm. Nếu bạn đã có được hạnh phúc đó, hãy cho đi, để những người thân bên cạnh bạn và cả thế giới sẽ cảm nhận được điều mà họ mong ước, điều mà đích đến của một đời người thèm một lần được chạm vào”.
Tú Quyên