​Giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

20/04/2018 18:03

​Theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, tỉnh Kon Tum xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố (gọi chung là tỉnh) trong cả nước với 58,53 điểm, nằm trong nhóm xếp hạng tương đối thấp; xếp trên 2 tỉnh Bình Phước và Đăk Nông.

Kết quả đánh giá 10 chỉ số thành phần trong PCI năm 2017 của tỉnh Kon Tum như sau: Chỉ số gia nhập thị trường (7,79 điểm), chỉ số tiếp cận đất đai (6,32 điểm), chỉ số tính minh bạch (6,33 điểm), chỉ số chi phí thời gian (5,55 điểm), chỉ số chi phí không chính thức (4,46 điểm), chỉ số cạnh tranh bình đẳng (5,36 điểm), chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh (5,18 điểm), chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,32 điểm), chỉ số đào tạo lao động (5,57 điểm), chỉ số thiết chế pháp lý và chỉ số an ninh trật tự (5,05 điểm).

Chỉ tính 5 năm trở lại đây, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum đạt được như sau: năm 2013 đạt 56,04 điểm, xếp vị trí thứ 44/63 tỉnh, thành phố; năm 2014 - 54,66 điểm, xếp thứ 56/63; năm 2015 - 56,55 điểm, xếp thứ 52/63; năm 2016 - 56,27 điểm, xếp thứ 56/63 và năm 2017 đạt 58,53 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh – thành phố.

Giải quyết TTHC cho công dân tại Văn phòng UBND huyện Sa Thầy. Ảnh: Q.Đ

 

Như vậy, năm 2017, số điểm mà tỉnh đạt tăng hơn các năm trước nhưng về thứ hạng lại giảm. Điều này cho thấy sự nỗ lực của các địa phương khác trong cải thiện chỉ số PCI. Do đó, để nâng cao chỉ số PCI, tỉnh phải tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, đồng bộ.

Phát biểu ý kiến tại nhiều hội nghị chuyên đề về công tác cải cách hành chính, trong đó có bàn về giải pháp nâng cao chỉ số PCI, đồng chí Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, UBND đã đề ra mục tiêu, các giải pháp phấn đấu thực hiện giai đoạn 2018-2020. Theo đó, xác định mục tiêu năm 2018, chỉ số gia nhập thị trường, xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 28/63 tỉnh; chỉ số tiếp cận đất đai, xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 25/63 tỉnh; chỉ số tính minh bạch, xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 45/63 tỉnh; chỉ số chi phí thời gian, xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 43/63 tỉnh; chỉ số chi phí không chính thức, xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 50/63 tỉnh; chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh, xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 33/63 tỉnh. chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: mục tiêu đến năm 2019, xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 30/63 tỉnh. Đến năm 2020, chỉ số thiết chế pháp lý xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 43/63 tỉnh; chỉ số cạnh tranh bình đẳng xếp hạng chỉ tiêu đứng thứ 13/63 tỉnh.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện; chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp và đầu tư; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xuống dưới 2 ngày làm việc; triển khai các hoạt động khởi nghiệp, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh; kịp thời giải quyết các vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đất đai thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, công khai quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại trên địa bàn tỉnh để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận đất sản xuất. Xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết kịp thời các hồ sơ về xác định đơn giá cho thuê đất, hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư. Ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai sản xuất nông nghiệp và sử dụng có hiệu quả đất đai trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

  Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

  Nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong liên thông giải quyết TTHC, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý về công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra trùng lắp tại doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

  Nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa hiện đại để giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo nguyên tắc “Công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”. Thực hiện nghiêm việc hẹn và trả kết quả một lần, đúng cam kết, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách của Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng của tỉnh nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

  Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thành lập công ty dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giải quyết nhanh chóng, hiệu quả công việc của tổ chức, cá nhân.…

  Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ngân hàng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp bình đẳng trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng...

                                                                                  Quang Định

Chuyên mục khác