​Chăm lo đời sống nạn nhân chất độc da cam

10/08/2018 07:19

Trong những ngày hướng tới kỷ niệm 57 năm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (10/8/1961-10/8/2018), các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên 250 nạn nhân và gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên chiến thắng bệnh tật, mỗi suất quà trị giá 300 ngàn đồng.

Ông Đào Trường Bay - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Kon Tum cho biết: Toàn thành phố hiện có 2.479 nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố đã có 9.700 lượt nạn nhân chất độc da cam được chăm sóc, tặng quà, hỗ trợ giải quyết khó khăn với tổng số tiền trên 3,672 tỷ đồng. Trong đó, Hội cấp trên hỗ trợ 865 triệu đồng, Thành hội và các tổ chức, cá nhân từ thiện trong và ngoài thành phố phối hợp hỗ trợ 2,807 tỷ đồng. Mặc dù số tiền hỗ trợ này đối với sự hy sinh mất mát của các nạn nhân là không lớn, nhưng phần nào đã giảm bớt được những khó khăn trong đời sống hàng ngày. Trong đó có các ông như: Trần Xuân Diệu trú tại xã Chư Hreng, Mã Phi Sơn trú tại xã Đăk Cấm, Trần Thanh Bình trú tại phường Quyết Thắng, Trần Công Chung trú tại xã Đăk Blà… đã vượt lên số phận, cùng với gia đình lao động sản xuất để vượt qua nghèo khó.

Trao bò sinh sản cho nạn nhân chất độc da cam huyện Kon Rẫy. Ảnh: T.V.P

 

Ông Lữ Đức Thìn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 3.467 hội viên sinh hoạt tại 9/10 huyện/thành phố trong tỉnh và đã có 29 xã/phường/thị trấn ở thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, huyện Kon Rẫy thành lập được hội cơ sở.

Trong nhiều năm qua, Tỉnh hội luôn chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) và Công văn số 740/CV-TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với các cấp hội và toàn thể hội viên.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 963 nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Trong đó, 708 người hoạt động kháng chiến và 255 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học qua giám định đã được hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, còn có 1.692 người là con đẻ của nhân dân sống trong vùng bị phun rải chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật được hưởng trợ cấp xã hội 180 ngàn đồng/người/tháng. Nhân dịp các đợt lễ, tết từ đầu năm đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam được 1.263 lượt với gần 268 triệu đồng.

Ông Lữ Đức Thìn cho biết thêm: Trong những năm qua, phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” luôn được Tỉnh hội gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban MTTQVN phát động trên phạm vi toàn quốc.

Từ những phong trào thi đua đó, trong 8 năm qua, từ năm 2011-2018, với tinh thần “Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”, được sự quan tâm của Chủ tịch UBND tỉnh hàng năm có thư ngỏ kêu gọi ủng hộ Quỹ “Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh” và những tấm lòng nhân ái hảo tâm của hơn 600 lượt tập thể, 134 lượt cá nhân ủng hộ hơn 5 tỷ đồng để giúp đỡ, hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh.

Từ nguồn quỹ đó, Tỉnh hội đã chi hơn 4 tỷ đồng để hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh về nguồn vốn phát triển sản xuất, làm nhà ở mới, sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh, tặng học bổng, tặng bò sinh sản, tặng quà nhân các ngày lễ tết… cho các hộ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập với cộng đồng

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác