Ðiều phụ nữ cần

20/10/2023 06:12

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị em phụ nữ ở khắp mọi nơi đều rộn ràng với các hoạt động chào mừng kỷ niệm. Điều này cho thấy, chị em phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi để hiểu biết đúng đắn nhất về quyền lợi và giá trị của bản thân, được tỏa sáng hơn khi được quan tâm, ghi nhận vai trò một cách đặc biệt.

Trong những ngày này, để tôn vinh vai trò của phụ nữ, để thể hiện sự trân trọng, yêu thương, chị em được tặng hoa, quà, được tham dự những bữa tiệc, được tổ chức những chuyến đi chơi xa. Nhưng, với nhiều chị em, sự trân trọng, yêu thương không chỉ dừng lại ở đó. Món quà chị em yêu thích nhất không chỉ riêng trong những ngày 8/3, 20/10, không phải là những bó hoa, những lời chúc có cánh, những món quà đắt tiền hay bữa ăn tại nhà hàng sang trọng mà chính sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ của  một nửa thế giới còn lại trong cuộc sống hàng ngày.

Phụ nữ ở nông thôn còn phải lo toan nhiều công việc vất vả. Ảnh: N.P

 

Liệu chị em phụ nữ có “được voi đòi tiên” hay không? Chẳng phải nhìn rộng ra, xa hơn, nơi này, có chị vài ba ngày lại phải chịu một trận “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” từ người chồng của mình; nơi nọ, có chị dù đang bị bệnh ốm nặng vẫn phải tay ẳm con, tay chuẩn bị cơm nước trong khi đức ông chồng với trăm ngàn lý do, hàng nghìn duyên cớ vẫn ung dung khề khà trong quán nhậu; nơi kia, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, vì học cao cũng chẳng để làm gì, trẻ em gái buộc phải nghỉ học ưu tiên cho các anh em trai đến trường  thì sẽ hiểu vì sao chị em mong muốn như vậy.

Đơn cử từ chuyện công việc, chị em phụ nữ phải dành nhiều thời gian và đầu điểm công việc hơn. Là lao động chính, cùng với chồng làm các công việc để có thu nhập nuôi sống cả gia đình, chị em phụ nữ còn phải đóng vai trò chính cho hàng loạt công việc nhà không tên. Với phụ nữ là công nhân viên chức, để đảm trách trọn vẹn việc nước, việc nhà, họ phải nỗ lực gấp đôi, ngoài giờ làm việc ở cơ quan lại phải thu vén dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, chợ búa, lo toan cơm nước cho cả gia đình, chăm sóc dạy dỗ con cái và rất nhiều những  công việc không tên khác. Phụ nữ nông thôn càng vất vả hơn, ban ngày cũng tay cuốc, tay cày ra đồng, lên rẫy với các công việc nặng nhọc, về nhà chẳng kịp nghỉ ngơi lại phải vội lo nấu nướng, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc đàn heo, đàn gà trong nhà.

Đâu chỉ nặng gánh việc nhà, việc con cái, có những chị em còn phải chịu nhiều tổn thương vì chính người chồng của mình. Theo số liệu điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2020, có tới 31,6% phụ nữ, tức là chiếm tới gần 1/3, hay nói cách khác cứ 3 người phụ nữ thì có gần 1 người phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực.

Chị em phụ nữ tích cực lao động để mang lại nguồn thu cho gia đình. Ảnh: NP

 

Và điều đáng nói hơn nữa là trong số đó có hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ và như thế những nỗi đau vẫn cứ âm thầm, vẫn cứ dai dẳng, vẫn mãi là chuyện phía sau cánh cửa mỗi nhà. Những câu chuyện âm ỉ, đau lòng của mỗi gia đình chỉ được mọi người biết đến khi không thể nào giấu kín được nữa. Điều đáng buồn hơn là nhiều phụ nữ tin rằng, bạo hành trong gia đình là bình thường và chấp nhận được. Kể ra thì “xấu chàng hổ ai”, “vạch áo cho người xem lưng”, “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”, thôi thì các chị ngậm đắng nuốt cay, giữ sự im lặng như là điều cần phải chịu đựng để gìn giữ hạnh phúc gia đình của mình.

Trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả, “tay hòm chìa khóa” nặng mối lo toan cơm, áo, gạo, tiền, lại luẩn quẩn trong hàng loạt công việc không tên, thậm chí bị xâm hại, bị bạo hành, thì mong gì đến chuyện hoa và quà. Thậm chí có chị em trong ngổn ngang mối tơ vò, trong phập phồng những trận cãi vã, đánh đập đã bày tỏ mong ước nhỏ nhoi, không phải chịu cảnh chồng say xỉn, bước chân về cổng nhà là kiếm cớ gây gổ nọ kia, đó chính là món quà dành cho họ trong chính ngày của chị em phụ nữ.

Làm sao để phụ nữ có thời gian để quan tâm, chăm sóc bản thân nhiều hơn. Làm sao để phụ nữ dám lên tiếng khi bị lạm dụng, bạo hành? Vấn đề là ở chỗ, bình đẳng giới không bị ảnh hưởng nhiều bởi chủ trương, pháp luật (vì chủ trương của Đảng ta về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật khá hoàn thiện) mà lại xuất phát từ các quan niệm xã hội, những định kiến giới tồn tại từ lâu đời. Phụ nữ phải nhẫn nhịn, phụ nữ phải hy sinh, phụ nữ không cần học nhiều, phụ nữ phải lo toan việc nhà. Thế nhưng, mấy ai chịu hiểu rằng, mọi cái đều có giới hạn và trong cuộc sống, những cái tưởng chừng là nhỏ, là phải như thế này, như thế kia lại chính là nguyên nhân, là mầm mống gây ra nhiều hệ lụy.

Suy cho cùng, mọi ngày lễ như một thứ điểm trang cho những chuỗi ngày vất vả. Ngày 8/3 hay 20/10 cũng vậy, cũng chỉ là những ngày trong số 365 ngày. Nên cốt lõi của yêu thương không phải ở những bó hoa, món quà, bữa tiệc  hay là chuyến đi chơi. Yêu thương phải là sự tôn trọng, cảm thông, chia sẻ. Và tất nhiên, những điều phụ nữ cần, rất cần đó không phải là chuyện của chỉ một ngày, của một vài ngày, hay của một vài dịp mà phải là chuyện thường xuyên, chuyện của mọi ngày.       

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác