Ði lên trong gian khó

12/08/2021 13:04

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của các dân tộc huyện Đăk Glei trong kháng chiến, sau ngày thành lập lại tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei đã phấn đấu giữ vững đoàn kết thống nhất, từng bước đưa địa phương ngày càng phát triển.

Sau ngày thành lập lại tỉnh (năm 1991), huyện Đăk Glei gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế lạc hậu, chủ yếu là tự cung tự cấp; kết cấu hạ tầng nông thôn yếu kém, đường về trung tâm các xã còn rất nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan, đơn vị thiếu thốn và tạm bợ...

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Đăk Glei luôn đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt khó, đưa huyện Đăk Glei ngày càng phát triển. Hôm nay, trở lại mảnh đất Đăk Glei anh hùng, từ thị trấn Đăk Glei cho đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, đời sống và cảnh quan bộ mặt đô thị và nông thôn đều đã thay da đổi thịt đáng kể.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng chiếm 26%; thương mại- dịch vụ chiếm 34%; nông - lâm - thủy sản giảm xuống còn 40%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt trên 40 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,7 triệu đồng/năm. Diện tích cây trồng chủ yếu hàng năm đạt 7.670ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 13.295 tấn.

Một góc của thị trấn Đăk Glei hôm nay. Ảnh: Đ.V

 

Những năm gần đây, nhân dân Đăk Glei đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng; chú trọng hỗ trợ, đầu tư phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương. Đặc biệt, Đăk Glei  đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án, phương án phát triển diện tích sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm và bước đầu đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện phát triển được 5,3ha sâm Ngọc Linh, 235ha hồng đẳng sâm và đang dần tạo ra các vùng chuyên canh dược liệu. Bên cạnh đó, Đăk Glei cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, xây dựng các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu riêng của huyện.

Song song với phát triển kinh tế, Đăk Glei đã ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi…để phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cấp ủy, chính quyền huyện Đăk Glei đã tập trung xác định thứ tự ưu tiên việc huy động và bố trí nguồn lực cho các lĩnh vực, các dự án quan trọng có sức lan tỏa trong cộng đồng, tạo tiền đề phát triển các ngành, các lĩnh vực mang tính chất đặc thù của huyện. Đồng thời, lựa chọn quy mô đầu tư, xây dựng các công trình phù hợp với nhu cầu phát triển và khả năng bố trí nguồn vốn của địa phương.

 Bằng sự năng động, sáng tạo, phát huy nguồn nội lực, huyện Đăk Glei đã và đang huy động nguồn xã hội hóa, mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông nông thôn; xây dựng nhà máy thu mua, sản xuất, chế biến sâm dây và một số loại thảo dược khác trên địa bàn huyện. Vì vậy, hiện nay, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi khác; nhiều tuyến đường bê tông liên xã biên giới và nhiều công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, nông nghiệp…được đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, cây cầu treo được làm bằng bê tông kiên cố nối đôi bờ sông Pô Kô vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn cho sự đổi thay ở đô thị trung tâm huyện.

Nhìn lại chặng đường phát triển 30 năm kể từ khi thành lập lại tỉnh, đồng bào các dân tộc huyện Đăk Glei hoàn toàn có thể tự hào về những thành tựu đạt được trong suốt thời gian qua. Về Đăk Glei hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy những đổi thay trên quê hương anh hùng. Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân có những bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đây là nền tảng vững chắc để huyện Đăk Glei từng bước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết giai đoạn 2020-2025 đã đề ra và những nhiệm kỳ tiếp theo.  

Đắc Vinh

Chuyên mục khác