Ðăk Hà- 30 năm nhìn lại

21/03/2024 06:31

Lắng nghe những câu chuyện kể từ những người góp sức xây dựng huyện Đăk Hà từ những ngày đầu thành lập, để trân quý hơn sự nỗ lực của chính quyền, người dân trong hành trình xây dựng và phát triển huyện nhà.

Ở tuổi 74, ông A Bók (ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) vẫn nhớ như in ngày 24/3/1994 - ngày huyện Đăk Hà được thành lập.

Khi ấy, ông A Bók được điều động về làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Hà. Trong ngổn ngang những khó khăn, ông cùng với tập thể lãnh đạo huyện và nhân dân chung sức vượt khó để xây dựng và phát triển huyện.

Theo lời ông A Bók, 30 năm trước, huyện Đăk Hà rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 53%, gần 100% các tuyến đường là đường đất, nhà cửa xập xệ, điện - đường - trường - trạm thô sơ. Trong muôn vàn khó khăn của những ngày đầu thành lập, lãnh đạo huyện đau đáu phải làm sao để giúp người dân thoát nghèo. 

Ông A Pók (phải) kể lại những ngày đầu thành lập huyện Đăk Hà. Ảnh: HT  

 

“Khi ấy, chúng tôi nêu quyết tâm bám sát đường lối, nghị quyết của cấp trên, kịp thời đề ra những mục tiêu, giải pháp phù hợp với thực tiễn để giúp người dân vượt khó. Nói thì đơn giản nhưng việc thực hiện không hề giản đơn, đó là cả một quá trình phấn đấu và nỗ lực” – ông A Bók kể lại.

Bắt đầu từ việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức dân làm thủy lợi, khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa nước, phát triển nông nghiệp; kết hợp cùng  6 doanh nghiệp quốc doanh trên địa bàn chung sức, mở lối phát triển kinh tế.

Năm 1994, ông Hoàng Trung Quý (hiện ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cà phê Đăk Uy 1. Ông Quý kể rằng, khi ấy, cùng với 5 doanh nghiệp khác, Công ty cà phê Đăk Uy 1 xác định nhiệm vụ chính trị là chung tay xây dựng huyện Đăk Hà.

Ông Quý kể: Ngày đó, lãnh đạo công ty đã chỉ ra những khó khăn trên địa bàn huyện và thống nhất quyết tâm giúp người dân phát triển kinh tế. Các kế hoạch cụ thể được đề ra, trong đó tập trung tuyển công nhân là người dân địa phương; hướng dẫn, giúp đỡ công nhân trong việc học, chăm sóc, thu hoạch cà phê. Cùng với đó, hỗ trợ giống, cử cán bộ kỹ thuật xuống giúp người dân trên địa bàn.

Từ việc loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì, với sự nỗ lực chung trong việc làm thủy lợi, định hướng phát triển của huyện và sự phối hợp từ các doanh nghiệp quốc doanh, người dân có bệ đỡ, định hình được hướng sản xuất và bắt tay vào làm.

Với hơn 29 ngàn dân, từ những ngày đầu thành lập, huyện Đăk Hà đã là nơi hội tụ nhiều dân tộc anh em. Chỉ sau 5 năm, đến tháng 4 năm 1999, dân số đã tăng lên hơn 47 ngàn người. Đặc biệt, dù mỗi thành phần dân tộc có bản sắc và truyền thống văn hoá riêng nhưng đều cùng chung mục đích xây dựng Đăk Hà thành huyện giàu đẹp, tiến kịp quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp nối lịch sử, đến nay, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực của người dân đã làm nên sự thay đổi cơ bản trong cuộc sống của người dân cả về vật chất và tinh thần.

Những con đường đất được thay thế bằng đường bê tông, đường nhựa, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Ảnh: H.T  

 

Anh Đặng Văn Cảnh (ở thị trấn Đăk Hà) vẫn nhớ mãi những ngày đầu theo bố mẹ rời quê nhà từ miền Trung vào làm kinh tế mới tại huyện Đăk Hà. Bố mẹ anh là công nhân công ty cà phê. Từ việc không biết đến cây cà phê, qua quá trình phụ bố mẹ chăm sóc vườn cây, cộng thêm việc tự học hỏi kỹ thuật chăm sóc, chế biến cà phê, bây giờ, có thể nói anh là “chuyên gia” trong trồng, chăm sóc và chế biến cà phê.

“Cũng như tôi, rất nhiều hộ dân, từ mơ hồ, qua quá trình cố gắng, bà con đã chinh phục được cây cà phê. Để từ đó, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa chung sức xây dựng Đăk Hà thành thủ phủ cà phê của tỉnh” – anh Cảnh chia sẻ.

Qua rồi những gian khó ban đầu, từ những bước chập chững đầu tiên, đến nay, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự cần cù lao động, ham học hỏi của người dân, huyện Đăk Hà đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định mình với nhiều con số ấn tượng.

Từ gian khó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện là 52,44 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,29%. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, nông - lâm - thủy sản đạt 37,37%, ngành công nghiệp - xây dựng đạt 34,24%, ngành thương mại - dịch vụ đạt 28,39%.

“30 năm trôi qua, với sự nỗ lực, Đăk Hà đã thay đổi, chuyển mình vượt bậc mà bất kể ai cũng có thể nhìn thấy. Với những bước đi vững chãi, mỗi người dân đều tin rằng, huyện nhà có thể tiến lên những nấc thang cao hơn. Nhìn lại lịch sử để vững bước tương lai, chúng tôi luôn mong muốn huyện nhà đoàn kết hơn nữa, phát triển hơn nữa để đạt được nhiều hơn những thành tựu mới, góp sức mang lại đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc” - ông A Bók bộc bạch.       

Hoài Tiến

Chuyên mục khác