21/06/2017 08:03
Cảm xúc của yêu thương mỗi người làm nghề có cách nhìn nhận, diễn đạt khác nhau. Riêng tôi, gắn bó với nghề báo, sự nồng ấm yêu thương phải biết đặt trái tim chia sẻ trung thực, đúng lúc, đúng thời điểm cho nhân vật, sự kiện. Điều này, tôi đã học được ở tháng ngày đi và viết như thế.
Đó là tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên, tôi đã chứng kiến một đồng nghiệp viết với cảm xúc chân thật khi sống với không gian lịch sử đặc biệt tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia ở huyện Đăk Tô. Khi cả dòng người lặng nghiêm làm lễ chào cờ và hát quốc ca, tôi bất chợt phát hiện đôi vai của đồng nghiệp rung lên từng hồi và từng giọt nước mắt chảy dài trên má…
Kết thúc buổi lễ ấy, đồng nghiệp của tôi đã giãi bày, trước khi dự buổi lễ trên, bản thân đã gặp một số người trong hàng vạn chiến sĩ năm xưa từng tham gia chiến đấu trong trận đánh Đăk Tô – Tân Cảnh và họ được may mắn sống sót trở về. Đó là cô Hợp, chú Phường, chú Tiến Sỹ… Đồng nghiệp của tôi bảo rằng, chị đã được xem ảnh, nghe các cô, các chú kể lại không biết bao nhiêu kỷ niệm khi cùng đồng đội hành quân. Nhiều câu chuyện của người lính năm xưa rất đỗi đời thường, như chia sẻ nắm cơm, tập hát dưới làn đạn bom, dặn dò nhau trước lúc lên đường làm nhiệm vụ… Tất cả tình cảm này đã làm dâng trào cảm xúc trong lòng người cầm bút. Nên tại lễ kỷ niệm trên, những dòng ký ức chân thực lướt qua tâm trí khiến chị không khỏi cảm nhận, viết trong niềm xúc động, ngưỡng mộ lòng quả cảm của các liệt sĩ đã hy sinh giọt máu cuối cùng cho vẻ vang độc lập của Tổ quốc hôm nay. Xúc cảm yêu thương ấy đã khiến chị viết những dòng chữ đẹp: “Gần nửa thế kỉ đã trôi qua, sông Pô Kô đã thôi không còn dậy sóng nhưng khí thế hào hùng những ngày chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh như vẫn còn vang mãi với non sông…”
|
Yêu thương từ trái tim không chỉ là chia sẻ cảm xúc, đồng cảm để trước các vấn đề xã hội lên án, người làm báo lập tức “vồ vập”, nhào nặn thành sản phẩm. Ngược lại, có lúc người viết báo dừng lại, đắn đo, suy tính, cân nhắc nhiều chiều, nên đưa thế nào, đưa ở mức độ nào, thời điểm đưa tin, viết bài hoặc dừng ở tình huống thông báo cho ngành chức năng vào cuộc…
Đấy là ở xã A, nhân dân phẫn nộ cung cấp thông tin, một bé gái bị cha dượng hãm hiếp nhiều lần nhưng cả gia đình đều không dám tố cáo vì sợ dư luận xã hội dèm pha.
Trong trường hợp này, dù đã có thông tin chính người thân của bé gái trình bày, đến tình huống xót thương gặp gỡ cháu bé tiếp chuyện bị hãm hại nhưng bản thân tôi - người cầm bút đã phải “hóa thân” thành nhiều vai để thu thập thông tin quanh nơi cư trú của gia đình nạn nhân. Nhưng rồi vì chứng cứ không đủ, bài viết không hoàn thành, song trái tim nóng của người cầm bút vẫn thôi thúc phải cứu cháu bé.
Đắn đo, suy nghĩ nhiều lần, tôi buộc phải đi ra quyết định đến đơn vị chức năng trình báo, chia sẻ thông tin sự việc. Ngành chức năng đã vào cuộc, theo dõi, điều tra, thu thập đủ chứng cứ, bắt, khởi tố người cha dượng trên. Lúc nghe tin này, tôi có cảm giác như trút được gánh nặng, như một việc quan trọng của bản thân vừa hoàn thành.
Cứ thế, trong cuộc sống và nghề nghiệp, người cầm bút cần nuôi dưỡng cảm xúc, sẵn sàng học sự cảm thông để hiểu nhân vật, sự kiện, hay vấn đề đang cần phản ánh thông tin. Mỗi trang viết từ trái tim với khối óc trung thực, phản ánh khách quan sẽ có những sản phẩm báo chí trách nhiệm, nuôi dưỡng, bồi đắp hy vọng, niềm tin cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Trần Hà