Yêu nghề làm rượu ghè

24/10/2019 13:02

Dành hết tâm huyết theo nghề làm rượu ghè, chỉ sau vài năm, chị Y Thơi ở xã Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy) đã xây dựng được thương hiệu rượu ghè mang tên mình. Mới đây, chị Y Thơi còn thành lập tổ hợp tác sản xuất, hỗ trợ 7 chị em trong thôn cùng làm rượu ghè để phát triển kinh tế, đồng thời tạo dựng sản phẩm đặc trưng cho địa phương.

Trong ngôi nhà cấp 4 tại xã Đăk Tờ Lung, chị Y Thơi đon đả giới thiệu với chúng tôi sản phẩm rượu ghè truyền thống - cũng chính là sản phẩm khởi nghiệp của mình. Với chị, rượu ghè không chỉ thể hiện sự tinh tế của ẩm thực mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa đã được lưu truyền từ bao thế hệ. Chính vì vậy, mỗi ghè rượu được chị cẩn thận làm ra bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê. 

Kể với chúng tôi, chị Y Thơi cho biết, thời thiếu nữ, được mẹ hướng dẫn làm rượu ghè, chị liền bị cuốn hút và say mê với nghề truyền thống này. Mỗi lần gia đình có lễ hay có khách quý, chị đều phụ mẹ làm những ghè rượu thơm nồng, đậm đà.

Từ chỗ làm rượu để gia đình dùng, năm 2016, chị Y Thơi bắt đầu làm rượu bán cho dân làng. “Hiện nay, bên ngoài thị trường bán men có sẵn rất nhiều. Việc sử dụng men có sẵn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như có lời hơn nhưng mình vẫn tự tìm, dùng nguyên liệu tự nhiên tại chỗ, tự làm men bằng vỏ cây, từ nếp tự trồng… Mình làm rượu để kinh doanh nhưng đồng thời cũng để giữ lại nét đẹp văn hóa của đồng bào mình” - chị Y Thơi nói.

Rượu ghè Y Thơi được Hội LHPN huyện giới thiệu tại các gian hàng sản phẩm truyền thống. Ảnh: BA

 

Được làm bằng những nguyên liệu tự nhiên nên rượu ghè của chị Y Thơi rất đậm đà, thơm ngon. Hữu xạ tự nhiên hương, không chỉ được người dân trong làng, trong xã ưa chuộng, rượu ghè của chị dần được mọi người ở huyện, ở tỉnh biết đến, tìm mua. Thấy công việc ý nghĩa lại cho thu nhập ổn, năm 2018, chị Y Thơi mạnh dạn vay 30 triệu đồng (do Hội LHPN xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện) để khởi nghiệp từ nghề truyền thống. Với số tiền vay được, chị Y Thơi đầu tư mua 100 cái ghè và thu mua 10 bao nếp than của bà con trong xã đem về xay xát để làm rượu.

Với vị ngọt, mùi thơm đặc trưng, rượu ghè mang thương hiệu Y Thơi được Hội LHPN huyện Kon Rẫy giới thiệu tại các gian hàng sản phẩm truyền thống của huyện và tỉnh.

“Được đưa hương vị rượu ghè truyền thống đến mọi người thưởng thức, tôi rất mừng. Qua việc trưng bày, giới thiệu, tôi bán rượu ghè được nhiều hơn. Vào dịp cao điểm lễ, tết, có tháng tôi bán được cả trăm ghè rượu”- chị Y Thơi chia sẻ.

Giá bán của mỗi ghè rượu dao động từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng, trừ chi phí, mỗi tháng chị cũng thu được vài triệu đồng. Thu nhập ổn định từ việc kinh doanh rượu ghè truyền thống, cuối tháng 7/2019, chị Y Thơi chủ động thành lập tổ hợp tác sản xuất, hỗ trợ 7 chị em trong thôn có hoàn cảnh khó khăn cùng làm rượu ghè.

Tham gia tổ hợp tác, ngoài việc chịu trách nhiệm tìm rễ cây về làm men rượu, các thành viên sẽ cùng với chị trồng nếp than để có nguồn nguyên liệu làm rượu ổn định, đảm bảo chất lượng và uy tín.

“Năm ngoái, gia đình tôi trồng 5 sào nếp than, nhưng năm nay các thành viên trong tổ hợp tác đã cùng trồng và mở rộng lên 4,5ha nếp than, cả nếp than rẫy và nếp than ruộng. Tôi hướng các chị chú trọng vào khâu nguyên liệu, bởi nguyên liệu đảm bảo mới làm ra rượu chất lượng”- chị Thơi nói.

Không chỉ hướng chị em sản xuất vùng nguyên liệu, chị Y Thơi còn tận tình hướng dẫn các chị em cách làm men, cách làm rượu ghè đậm đà hương vị. Chị cho biết, 7 chị em trong tổ hợp tác đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chị muốn thông qua tổ hợp tác sẽ tạo việc làm, giúp các chị cùng vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo.

Từ niềm đam mê hương vị rượu ghè truyền thống, chị Y Thơi đã trở thành gương phụ nữ điển hình khởi nghiệp thành công của huyện Kon Rẫy. Được biết, trong thời gian đến, huyện Kon Rẫy sẽ tiếp tục hỗ trợ sản phẩm đặc trưng, quảng bá rộng rãi thương hiệu rượu cần Y Thơi.

Bình An

Chuyên mục khác