Yêu cầu cao về tính minh bạch trong thi tốt nghiệp THPT

20/07/2020 06:02

Nêu cao quyết tâm nghiêm túc, công bằng, minh bạch khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đang đến gần, UBND tỉnh đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đối với các thành viên trong Ban chỉ đạo. Đặc biệt, đối với đơn vị Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh.

Chưa đến 1 tháng nữa các em học sinh vừa hoàn thành chương trình lớp 12 sẽ bước vào Kỳ thi  tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh những phiên tòa xét xử, những quyết định bắt giam các bị can, bị cáo có liên quan đến những tiêu cực trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương mới diễn ra càng khiến cho nhiều người thêm trăn trở về tính công bằng, minh bạch trong học và thi; càng thêm mong mỏi các cấp, các ngành, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các thí sinh cũng nỗ lực, nêu cao quyết tâm để kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc.

Dõi theo các phiên xét xử, tuyên án, dư luận xót xa trước con số thống kê hàng chục em lỡ theo những bước đi gian dối trong thi cử từ 2 năm trước buộc phải thôi học. Dư luận cũng không khỏi nhói lòng khi những đối tượng bị bắt giam đều chính là những người “cầm cân nảy mực” trong kỳ thi và phần lớn trong số đó lại chính là những người từng công tác trong ngành Giáo dục, có người phải chịu mức án chục năm tù. Và dư luận cũng không khỏi đau xót trước câu nói của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, cựu Trưởng phòng Khảo thí – Sở GD&ĐT Hòa Bình tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT ở Hòa Bình: Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật…

Xót xa là vậy nhưng liệu những con số, những hình ảnh, những câu nói đó có là bài học đủ sức cảnh tỉnh cho tất cả thí sinh, phụ huynh và những người làm nhiệm vụ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới? 

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trường Chinh tập trung củng cố kiến thức, giải bài tập qua các bộ đề thi minh họa. Ảnh: Mai Trâm 

 

Lâu nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đây là Kỳ thi THPT quốc gia) được xem là  cánh cửa mở vào đời cho bao nhiêu em lứa tuổi 18. Với những toan tính kiểu “gù lưng” như đã xảy ra ở các địa phương khác những năm trước không chỉ để “mua danh”, “mua thành tích”: tự hào con mình giỏi giang, đỗ điểm cao, mà còn “mua phận”: có nhiều cơ hội vào các trường đại học top cao. Mà vào được trường đại học top cao đồng nghĩa với tính chuyện lâu dài hơn chút nữa, các ông bố bà mẹ giỏi sắp xếp, “mua điểm” sẽ lại tiếp tục những “phi vụ” “mua - bán” cho tương lai tươi sáng cho con mình về sau.

Toan tính ấy, tâm lý háo danh, háo phận ấy tồn tại trong một bộ phận  phụ huynh cộng với những quanh co bao biện kiểu “ai cũng gù” dễ khiến cho một số người - dẫu ít - vốn được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” nếu không đủ bản lĩnh giữ “thẳng lưng” dễ có những việc làm sai trái, phù phép điểm số.

Trong khi đó, so với Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có những điểm mới được đưa vào áp dụng: mục đích kỳ thi chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển; cách thức tổ chức kỳ thi là tăng cường tự chủ cho các địa phương (các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, giám sát; Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra ở các khâu tổ chức; thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh; thí sinh chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp; đề thi nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp.

Hơn nữa, những thay đổi từ Kỳ thi THPT quốc gia chuyển sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 4/2020, Bộ GD&ĐT báo cáo phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 lên Chính phủ), cộng với tác động của dịch Covid -19 kéo dài, các trường cao đẳng, đại học chưa chủ động được phương án tuyển sinh, nên dù mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng về cơ bản hầu hết các trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Trong khi đó, năm nay, các trường đại học, cao đẳng lại không tham gia các khâu coi thi, chấm thi như các năm trước, mà giao quyền tự chủ về cho các địa phương.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu tính an toàn, trung thực, khách quan đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết.

Nêu cao quyết tâm nghiêm túc, công bằng, minh bạch khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đang đến gần, UBND tỉnh đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đối với các thành viên trong Ban chỉ đạo. Đặc biệt, đối với đơn vị Thanh tra tỉnh (các năm trước không tham gia thanh tra kỳ thi) tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh. 

Tuy nhiên, cùng với việc Ban chỉ đạo triển khai, tổ chức chặt chẽ các khâu tổ chức, in sao đề thi, coi thi, chấm thi…; lựa chọn các đối tượng có chuyên môn, đạo đức, trách nhiệm tham gia phục vụ kỳ thi, tham gia các đoàn thanh tra thi, thì trong thời gian từ nay đến khi thi, các bậc phụ huynh cần sát sao hơn trong việc ôn tập, định hướng; bản thân các em phải không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức.

Và điều mà nhiều người quan tâm hơn cả chính là động cơ, mục đích học và thi của chính các em, các bậc phụ huynh. Nếu động cơ, mục đích đúng đắn thì những toan tính, những quanh co bao biện kiểu “ai cũng gù” sẽ không có “đất diễn”. Khi ấy, cộng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, kịp thời của Ban chỉ đạo thi, của cả hệ thống chính trị, kỳ thi sẽ đảm bảo được tính an toàn, khách quan, minh bạch.        

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác