07/11/2017 09:43
Hàng loạt học sinh bị ngộ độc thực phẩm
8h sáng 6/11, trên địa bàn thị trấn Sa Thầy, 84 học sinh đã được các thầy cô giáo đưa vào Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy cấp cứu trong tình trạng nôn ói, đau bụng và đau đầu, sốt nhẹ. Trong đó, có 48 em đang theo học Trường THCS Nguyễn Tất Thành, 1 học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và 35 em thuộc Trường PTDTNT huyện Sa Thầy.
Qua xác minh, các em bị ngộ độc sau khi ăn bánh bông lan và uống sữa hộp miễn phí, do một nhóm người lạ (đang được các ngành chức năng địa phương xác minh) cho tặng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Sau khi tiếp nhận các em nhập viện, có 36/84 trường hợp bị ngộ độc nặng với dấu hiệu đuối sức, các y bác sĩ phải trực theo dõi chăm sóc thường xuyên, tiến hành truyền dịch ngay tại chỗ.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ được đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện túc trực theo dõi, chăm sóc kịp thời, sức khỏe của các em dần hồi phục. Đang nằm truyền dịch tại Phòng Cấp cứu, em Y Tư - học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Tất Thành kể: Hồi sáng con đang từ nhà (ở làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy - PV) đến trường thì có nhóm người lạ đến phát bánh bông lan và sữa hộp cho các bạn. Y Luynh đi cùng đã dừng lại nhận 2 cái bánh to bằng bàn tay, bạn đưa cho con 1 cái. Lúc đi đến trường, con ăn hết chiếc bánh thì cảm thấy bị đau bụng, muốn nôn và nôn rất nhiều. Con cố gắng chịu đựng để vào lớp, nhưng không nhấc chân được. Các bạn đã chạy đi báo cô chủ nhiệm và các thầy cô đưa con vào nằm buồng cấp cứu này.
Chị Y Rưới - mẹ của em Y Tư nói: Chị đang đổi công thu hoạch lúa cho bà con cách nhà 200m thì nghe cô chủ nhiệm gọi điện thoại báo tình hình con gái không may bị ngộ độc khi ăn bánh bông lan. May mắn đi làm gần nhà, tôi nghe tin việc không may của con gái, nên đã chạy ra ngay.
“Bỏ dở việc ngoài ruộng, tôi vào Trung tâm Y tế huyện chăm sóc con. Tôi vừa coi ngó con gái, còn phụ các cô ngó trước trông sau 2 - 3 đứa khác không có người thân, đang nằm giường bệnh theo dõi. Các thầy cô giáo rất vất vả chạy tới lui, chỉ vì các cháu nhỏ dại thiếu suy nghĩ, nhận bánh ăn của người lạ, mà không có người lớn kiểm soát…” - chị Rưới buồn buồn nói.
|
Vừa cầm điện thoại huy động các giáo viên không có tiết dạy ở trường đến chăm sóc các cháu bị ngộ độc, cô Trương Thị Thu Thủy - Hiệu Trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành xác nhận, nhà trường đang tập trung giúp ngành chức năng huyện rà soát, đưa hết 48 học sinh bị ngộ độc ra đơn vị y tế theo dõi, điều trị.
Cô Thủy còn chỉ đạo các giáo viên của trường tập trung về Trung tâm Y tế huyện nấu cháo miễn phí cho các em vào buổi trưa. Theo cô Thủy, 100% các em bị ngộ độc đều con em đồng bào DTTS, có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ở rẫy xa nên chậm nắm được tin tức con em bị ngộ độc…
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, đến cuối giờ chiều 6/11, 48/84 em học sinh bị ngộ độc đã hoàn toàn bình phục sức khỏe, được xuất viện; còn 36 học sinh bị ngộ độc nặng phải truyền dịch được giữ lại tiếp tục theo dõi, điều trị.
Ngành chức năng vào cuộc kịp thời
Ngay khi nhận được thông tin hàng loạt học sinh bị ngộ độc, UBND huyện Sa Thầy và Đoàn công tác của Sở Y tế, Sở GD&ĐT đã kịp thời có mặt tại địa điểm cấp cứu học sinh.
Tại đây, các đơn vị liên quan đã tìm hiểu thông tin từ nhóm người từ thiện. Những người này cho biết, các loại bánh bông lan đóng gói sẵn và sữa hộp được mua tặng miễn phí cho học sinh được mua từ cửa hàng tạp hóa Y.N ở thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy.
Chủ cửa hàng Y. N xác nhận với cơ quan chức năng, ngày 4/11, cửa hàng đã bán cho đoàn từ thiện tổng cộng 70 chiếc bánh bông lan loại đóng gói sẵn, do 1 cơ sở tư nhân tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sản xuất; 108 hộp sữa đậu nành Fami. Đến sáng 6/11, chủ cửa hàng mới biết những người mua hàng tặng miễn phí thực phẩm trên cho học sinh sử dụng...
Tại thời điểm kiểm tra quầy hàng này, đơn vị chức năng đã niêm phong 1 thùng hàng 200 chiếc bánh bông lan có ghi thời gian sản xuất ngày 4/11 và thời hạn sử dụng 15 ngày. Chủ cửa hàng còn cho biết thêm, cơ sở sản xuất bánh bông lan ở xã Ia Sao là nơi cung cấp một số loại bánh ngọt cho cửa hàng gần 15 năm qua.
|
Ông Hoàng Chí Trung – Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh (thành viên đoàn công tác của Sở Y tế) nhận định ban đầu: Sữa của các em uống vẫn còn thời hạn sử dụng; bánh bông lan thì không rõ ràng về thời gian sử dụng. Do bánh các em đã dùng hết, hiện tại, chúng tôi cử cán bộ tiếp cận nhóm người từ thiện, học sinh, người dân đã nhận bánh miễn phí để lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm theo quy định. Qua trao đổi với cơ quan chức năng ở Gia Lai, thì cơ sở bánh bông lan ở xã Ia Sao không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quá trình lấy thông tin ban đầu, các đơn vị chức năng cho rằng, học sinh còn nhỏ chưa có ý thức trong việc an toàn thực phẩm, dễ dàng tiếp nhận và sử dụng dẫn đến ngộ độc. Thế nhưng, cũng có khoảng 5 trường hợp người lớn đưa con đi học cũng đến nhận, mang về cho con trẻ ở nhà ăn uống dẫn đến sự việc đáng tiếc trên. Điều này cho thấy, nhận thức về an toàn thực phẩm trong nhân dân chưa cao.
Sau khi kiểm tra tại cửa hàng tạp hóa Y.N - đoàn công tác của Sở Y tế và các đơn vị chức năng huyện Sa Thầy tiếp tục tiến hành lập biên bản, niêm phong số sữa và bánh bông lan loại đóng gói sẵn tại cửa hàng; đồng thời tiến hành xác minh, điều tra về nhóm người lạ đã phát quà thực phẩm miễn phí, cũng như nguyên nhân các em bị ngộ độc thực phẩm.
Bài, ảnh: Mai Trâm