Xung quanh chuyện tuyển sinh đầu cấp ở các trường trên địa bàn thành phố Kon Tum

12/06/2018 07:01

​Không quá nóng như những năm trước, nhưng việc tuyển sinh đầu cấp ở bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Kon Tum vẫn khá “căng thẳng”. Nhiều bậc, phụ huynh “chạy đôn, chạy đáo”, tìm đủ mọi cách để cho con vào những trường có uy tín chất lượng hoặc những trường ở trung tâm thành phố. “Vô hình trung” các bậc phụ huynh lại tự tạo áp lực cho mình và gây khó cho một số trường khi lượng hồ sơ nộp vào quá cao so với khả năng tuyển sinh…

 “Nóng” trường điểm, trường trung tâm

Rút kinh nghiệm những năm trước, để chuẩn bị cho việc tuyển sinh vào lớp đầu cấp ở bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở năm học mới 2018-2019 (tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6), ngay từ cuối tháng 5, Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Kon Tum ban hành kế hoạch tuyển sinh, trong đó hướng dẫn cụ thể, hình thức tuyển sinh và giao chỉ tiêu đối với từng trường theo địa bàn cụ thể. Phòng Giáo dục thành phố cũng chỉ đạo các trường học trên địa bàn tham mưu cho UBND các xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền vận động cho con em học đúng theo địa bàn cư trú; phối hợp với chính quyền địa phương, công an, tổ dân phố rà soát kỹ, lập danh sách phổ cập rõ ràng nhằm tránh tình trạng chuyển hộ khẩu, chạy vào trường điểm gây khó khăn trong công tác tuyển sinh lớp đầu bậc học…

Trường Tiểu học Quang Trung năm nay cũng thu hút nhiều học sinh. Ảnh: V.P

 

Mặc dù công tác chuẩn bị chu đáo là vậy, nhưng ở những trường điểm, trường trung tâm thành phố vẫn “khá nóng” bởi tình trạng phụ huynh tìm đủ mọi cách “luồn lách” để cho con mình được vào những trường này, kể cả học trái tuyến. Công tác tuyển sinh của các trường vì vậy cũng “khá căng”, kể cả việc thừa, thiếu học sinh so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao.

Qua tìm hiểu, không ít các bậc phụ huynh nhờ cậy các mối quan hệ thân quen để xin cho con được theo học ở một ngôi trường như ý. Cũng vì thế mới rơi vào cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Có trường hồ sơ xin nhập học quá nhiều nhưng có trường lại đang “ngóng” học sinh nộp hồ sơ xin nhập học để cho đủ chỉ tiêu.

Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc, năm học mới 2018-2019, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển 440 học sinh lớp 6, trong đó 340 là học sinh tại địa bàn phường Quang Trung và số còn lại 100 học sinh tuyển ngoài địa bàn. Tuy nhiên, lượng hồ sơ nộp vào trường là khá nhiều, riêng học sinh tại địa bàn đến nay đã nhận gần 300 hồ sơ và hồ sơ ngoài địa bàn cũng lên đến hơn 200 hồ sơ. Trong khi đó, Trường Trung học cơ sở Trường Sa ở địa bàn phường Trường Chinh, năm học 2018-2019 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6  năm học mới chỉ có 3 lớp với hơn 100 học sinh nhưng đến nay lượng hồ sơ nộp vào vẫn chưa đủ.

Đối với các trường tiểu học ở trung tâm thành phố như Tiểu học Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Quang Trung…cho đến thời điểm này hồ sơ nộp vào trường này đều đã vượt chỉ tiêu được giao. Có trường còn vượt đến trên 100% số học sinh so với chỉ tiêu giao. Điều đáng nói là đa số các trường hợp nộp tại các trường đều có hộ thường trú, hoặc tạm trú tại địa bàn tuyển sinh của trường(?)

 Lãnh đạo một trường tiểu học nói trên tâm sự với chúng tôi, không hiểu sao năm nay số lượng học sinh lại nhiều vậy, gần như các trường tiểu học ở trung tâm thành phố Kon Tum đều quá tải so với chỉ tiêu giao; đó là chưa kể hàng chục trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc là có hộ khẩu thường trú nhưng không thực chất ở.

Chính tâm lý chọn trường điểm của các bậc phụ huynh làm cho việc tuyển sinh đầu cấp trong năm học 2018-2019 ở các trường điểm vẫn chưa hạ nhiệt.

Nhiều trường hợp “hộ khẩu một nơi, người một nẻo”

Qua tìm hiểu công tác tuyển sinh đầu cấp ở các trường học trên địa bàn thành phố mới thấy tình trạng học sinh “hộ khẩu ở một nơi, người ở một nẻo” không phải là ít. Nhiều phụ huynh tìm cách nhập hộ khẩu cho con để “đường đường, chính chính” vào học ngôi trường mà họ cho là tốt và theo đúng ý muốn của họ. Vì thế, không ít trường hợp phụ huynh đã “chạy hộ khẩu” nhằm hợp thức hóa để vào trường.

Vô tình tôi được biết một trường hợp “chạy hộ khẩu” như đã nêu trên. Cũng vì muốn con được học tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc mà từ đầu năm 2017, anh H đã nhờ gia đình một người quen nhập khẩu vào cùng  gia đình họ để hợp thức hóa. Trong khi đó, gia đình anh vẫn ở một địa bàn khác. Vừa qua, anh mang hồ sơ lên nộp cho con vào lớp 6 những tưởng chắc chắn sẽ được vào trường học nhờ có “bùa hộ mệnh” là hộ khẩu thường trú tại địa bàn phường Quang Trung. Tuy nhiên khi gia đình lên nộp hồ sơ, nhà trường dò danh sách điều tra phổ cập của phường không có (được tổ dân phố, công an phường, giáo viên rà soát kỹ hàng năm) nên hồ sơ bị trả lại, vì thực tế không ở trên địa bàn.

Trường hợp của chị L, nhà ở đường Đào Duy Từ (phường Thống Nhất) nhưng chị đã nhập hộ khẩu cho con vào nhà người thân từ hồi lớp mẫu giáo và con chị cũng đã hoàn thành bậc tiểu học ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Theo chị L, sau này con chị sẽ chắc suất và đúng tuyến học ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc. Khi đem hồ sơ lên trường nộp, vì con chị không ở thực tế tại địa bàn nên không có trong danh sách điều tra phổ cập của phường, vì vậy muốn vào trường hồ sơ con chị phải phân loại sang xét tuyển cùng các hồ sơ học sinh khác ở ngoài địa bàn phường. Chị L tỏ ra khá lo lắng không biết xét tuyển con mình có đậu không vì ở ngoài địa bàn, năm nay trường chỉ tuyển 100 học sinh, trong khi đó lượng học sinh nộp ngoài địa bàn khá nhiều (lên đến hơn 200 hồ sơ) mà điểm 5 năm học tiểu học của con chị không được cao…   

Ông Bùi Tấn Phát- Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc cho biết: Đối với những trường hợp có hộ khẩu thường trú tại địa bàn những qua điều tra không cư trú thực thì nhà trường hướng dẫn nộp vào khu vực tuyển ngoài địa bàn (100 học sinh) để xét tuyển.

“Rất may là năm nay, chính quyền phường làm khá chặt chẽ việc rà soát hộ khẩu thường trú với việc ở thực nên đã phát hiện hàng chục trường hợp có hộ khẩu thường trú nhưng không ở. Dù vậy, nhưng ngày qua, nhà trường cũng “khá mệt” vì phải giải thích những thắc mắc của các phụ huynh”- ông Phát chia sẻ.  

Cũng tương tự, với Trường Tiểu học Ngô Quyền, nhà trường đã phải từ chối hàng chục hồ sơ nhập học vì hộ khẩu không hợp lệ, có hộ khẩu thường trú thật nhưng người lại ở nơi khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Thái Khắc Hòa- Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum cho biết: Thực hiện chỉ đạo UBND thành phố Kon Tum, Phòng chỉ đạo các trường học trên địa bàn phối hợp với các xã phường tiến hành điều tra, rà soát kỹ số học sinh cụ thể thực tế sinh sống tại địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển trường lớp và thực hiện công tác phổ cập. Phòng cũng phân rõ chỉ tiêu, quy định cụ thể từng khu vực, địa bàn tuyển sinh của từng trường từ mầm non đến trung học cơ sở trong năm học mới 2018-2019 để tránh tình trạng trường thì thừa quá nhiều, trường lại thiếu.

Các trường tuyển sinh đúng tuyến, học sinh phải có hộ khẩu thường trú và thực tế phải đang sinh sống cư trú đúng địa bàn tuyển sinh của trường. Những trường hợp có hộ khẩu thường trú nhưng thực tế không ở thì cũng không được, phải về học tại các trường địa bàn nơi ở thực tế - ông Hòa nhấn mạnh.  

 Cũng theo ông Hòa, thực chất việc nóng các trường điểm hay tình trạng chạy hộ khẩu cũng chủ yếu do các bậc phụ huynh muốn cho con em học đúng trường theo ý muốn của mình nhưng lại rơi vào trường hợp ở ngoài địa bàn tuyển sinh của các trường. Chính điều đó “vô hình trung” phụ huynh tự tạo áp lực cho mình; bởi hiện nay, đa số các trường ở địa bàn thành phố đều đạt chuẩn quốc các trường này có đầy đủ các tiêu chí về cơ sơ vật chất, đội ngũ giáo viên giỏi, chất lượng học sinh…

 Tuyển sinh đầu cấp bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở ở các trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum trong năm học 2018-2019 vẫn “căng thẳng”, nhưng suy cho cùng, người quyết định và tự chạy vào cái “guồng quay áp lực” đó chính là phụ huynh. Họ không chỉ làm khó cho mình mà còn khó cho cả các trường...

          Văn Phương

Chuyên mục khác