Xung kích thời chiến, gương mẫu thời bình

11/02/2023 07:43

Trải qua những tháng ngày gian khó, vượt mưa bom, bão đạn đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, những người lính Cụ Hồ trở về quê hương chung sức xây dựng cuộc sống mới. Nhiều người trong số họ đã trở thành những tấm gương sáng, điển hình, xứng đáng để mọi người noi theo.

Hơn 9h30 tối, phòng ông A Hắc (khối 5, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) vẫn sáng đèn. Dù năm nay đã gần 70 tuổi, ông vẫn miệt mài trên những trang giấy, soạn từng ý nội dung buổi nói chuyện ngày mai với lớp trẻ. Với vai trò là một cựu chiến binh từng kinh qua thời chiến, ông hiểu việc tuyên truyền cho thanh thiếu niên là rất cần thiết. Thông qua các buổi nói chuyện, sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về quá khứ hào hùng, chịu nhiều hy sinh, mất mát của cha anh, để có được hòa bình hôm nay.

Ông A Hắc chuẩn bị cho buổi nói chuyện với thế hệ trẻ. Ảnh: TT

 

Gần 11h ông A Hắc hoàn thành công việc chuẩn bị cho ngày mai. Bấy giờ ông mới thư thái ra nhâm nhi ấm trà pha sẵn. Thấy tôi còn thức, ông A Hắc đánh tiếng mời cùng uống trà. Như còn thấm đẫm cảm xúc về những năm tháng hào hùng, ông tâm sự: Ngày xưa tôi tham gia du kích, hoạt động ở địa bàn xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông bây giờ. Đến năm 1974 thì vào bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Kon Tum. Ngày đó đời sống khó khăn, vất vả lắm! Cái ăn, cái uống đều rất khó khăn. Chiến trường bom đạn ác liệt, có người nay mới gặp, mai đã xa. Đến năm 1975 sau khi giải phóng, tôi tiếp tục tham gia chống Fulro. Đến năm 2000, sau khi công tác trong quân đội được 29 năm, tôi được nghỉ hưu trở về quê nhà.

Vốn là người năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động, nên ngay khi xuất ngũ, ông A Hắc được địa phương tín nhiệm, giao trọng trách là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện.

Ông A Hắc nhớ lại: Thời điểm đó, huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô chưa tách, vì vậy địa bàn rất rộng. Trung bình một tháng, tôi dành khoảng 20 ngày ở cơ sở để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định. Với lợi thế là người tại chỗ, tôi cứ rỉ rả trò chuyện, khuyên mọi người theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, và rồi bà con đã hiểu và làm theo. Mỗi khi gặp vấn đề, bà con lại liên hệ tôi giúp đỡ. Cứ như vậy, tôi dần trở thành “cầu nối” của bà con với chính quyền địa phương.    

Khi thôi công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện, ông A Hắc vẫn thường xuyên được đoàn thanh niên các cấp nhờ cậy mỗi khi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho tầng lớp thanh niên. Cứ như vậy, đến nay cũng đã ngót 20 năm, ông gắn bó với các hoạt động tuyên truyền, vận động tại địa phương.

Tham gia bộ đội năm 1974, ông Trịnh Quang Thạo (thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) cũng đã trải qua những tháng ngày kháng chiến máu lửa. Giải phóng trở về, dù mang trên mình những dấu tích chiến tranh, là thương binh, là nạn nhân chất độc da cam, ông vẫn tích cực phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho các hội viên và bà con trên địa bàn noi theo.

Ông Trịnh Quang Thạo chăm sóc vựa rau của gia đình để phát triển kinh tế. Ảnh: TT

 

Ông Thạo cởi mở trò chuyện: Tôi là một người lính của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi tiếp tục tham gia chiến trường Campuchia, giúp nhân dân nước bạn tiêu diệt chế độ diệt chủng. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi đến với tỉnh Kon Tum để an cư, lập nghiệp.

Nhờ luôn năng nổ trong nhiều phong trào, hoạt động của các cấp Hội Cựu chiến binh trên địa bàn,  ông Thạo được các hội viên cựu chiến binh tín nhiệm, bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1.

Ông Thạo cho biết, hiện tại trên địa bàn thôn có 290 hộ gia đình đang sinh sống, trong đó có 250 hộ là người dân tộc Ba Na. Trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn, ông luôn cố gắng vận động các hội viên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, ổn định, để làm gương cho bà con học tập. Ông tâm sự, đối với bà con người DTTS, cách tuyên truyền hiệu quả nhất chính là xuất phát từ hành động thực tế. Để làm được điều đó, bản thân ông luôn phải là người gương mẫu đi đầu.

Tính đến hiện tại, ông Thạo đã về hưu được 21 năm, tuy nhiên ông vẫn nỗ lực tăng gia, phát triển kinh tế. Hiện tại ông có 3 sào đất để canh tác các loại rau, củ, quả (mướp, dưa chuột, su hào, bắp cải…). Từ các sản phẩm thu hoạch được, mỗi ngày, ngay từ sáng sớm, vợ chồng ông Thạo đã tất bật bỏ hàng cho các chợ đầu mối. Trung bình một năm, nếu trừ hết chi phí ông thu được khoảng 70 triệu đồng từ vườn rau.

Ông Võ Thanh Chín - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Qua công tác hội và phong trào cựu chiến binh, chúng tôi đã ghi nhận nhiều hội viên tiêu biểu về “xung kích trong thời chiến, gương mẫu giữa thời bình”. Với tinh thần cho đi là còn mãi, họ tích cực đóng góp trong nhiều mặt về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Dù trải qua nhiều sự hi sinh, mất mát nhưng những người cựu chiến binh luôn là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại cơ sở, giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ.

Tất Thành

Chuyên mục khác