24/03/2019 06:44
Chào đón sự kiện 25 năm thành lập huyện, những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà vô cùng vui mừng, phấn khởi trước những thành quả và đổi thay của quê hương.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà - Đoàn Ngọc Thắng không giấu nổi niềm vui, niềm hạnh phúc: 25 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện nhà đã không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tự hào trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, góp phần xây dựng huyện Đăk Hà phát triển toàn diện, bền vững.
Nhắc đến Đăk Hà là nhắc đến địa phương với nhiều thành tích trong thực hiện vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn). Là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh có những tư duy đột phá trong phát triển nông nghiệp như “làm gì cũng phải có khoa học, làm nông nghiệp càng phải khoa học hơn”. Đăk Hà cũng là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai tốt mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp); thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích đất trồng mì bạc màu để phát triển cao su hộ gia đình; hỗ trợ về vốn, phân bón, kỹ thuật cho người nông dân vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, làm nên những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, xây dựng được sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng của địa phương…
|
Ngay từ khi mới thành lập, để khai thác nội lực, huyện Đăk Hà đã được Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Miền Trung lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 1996 - 2010, tạo cơ sở khoa học cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa một cách có hiệu quả nhất. Đồng thời, huyện cũng đã chủ trương phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ và Viện Môi trường Phát triển bền vững xây dựng Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý làm cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện Đăk Hà” và Đề tài "Kết quả sử dụng quy trình công nghệ nhằm phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng huyện Đăk Hà"; lập bản đồ hiện trạng, sử dụng bản đồ vệ tinh để quy hoạch đất đai phục vụ việc xác định các cây trồng phù hợp ở từng địa bàn, khai thác có hiệu quả nội lực của từng vùng, hình thành nên các vùng chuyên canh cây cà phê (ở Hà Mòn, Đăk Mar, thị trấn Đăk Hà), cây lúa nước (ở Đăk Ui, Đăk La), cây cao su (ở Đăk Hring, Ngọc Wang, Ngọk Réo) và vùng chuyên canh cây rau, quả, cây vụ Đông ở thị trấn Đăk Hà, Hà Mòn, Đăk La.
Theo đó, Đăk Hà đã nhanh chóng xác định được các loại cây trồng chủ lực của địa phương để tập trung phát triển. Bên cạnh cây lúa và các loại rau màu vụ Đông, huyện Đăk Hà tập trung phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê. Hiện tại, Đăk Hà đã trở thành vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất tỉnh với tổng diện tích 9.090 ha.
Trong sản xuất nông nghiệp và chế biến đã thực hiện cơ khí hoá các khâu như tưới tiêu nước trên 70%, làm đất trên 50%, tuốt lúa trên 70%... Đây chính là tiền đề để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Cùng với phát triển trồng trọt, Đăk Hà còn tập trung khuyến khích, hỗ trợ nhân dân đầu tư con giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhân rộng mô hình nuôi heo hướng nạc, đưa giống bò lai sind vào “sind hoá'' đàn bò địa phương, triển khai thực hiện phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; chú trọng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, phát động nhân dân tận dụng từng mét vuông đất trong vườn để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện có 25.548 con trâu, bò, heo; tổng đàn gia cầm (gà, vịt) 193.410 con và đã phát triển được 217 ha diện tích nuôi trồng thủy sản (nuôi cá nước ngọt) với tổng sản lượng nuôi trồng đạt 1.662 tấn, sản lượng khai thác tự nhiên khoảng 587 tấn.
Điều đặc biệt phấn khởi của huyện Đăk Hà là trong quá trình phát triển kinh tế, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc phát triển loại hình kinh tế trang trại, kinh tế tổ hợp tác và hợp tác xã. Người nông dân, công nhân ở các nông trường, cán bộ hưu trí đã tham gia làm kinh tế trang trại ngày càng nhiều với quy mô đa dạng, phát huy có hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo việc làm, góp phần đẩy mạnh sản xuất hàng hoá ở nông thôn. Toàn huyện hiện có 10 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác, 17 nhóm hộ và 35 trang trại đạt tiêu chí trang trại mới.
Nhìn chung, trong mỗi giai đoạn phát triển, lĩnh vực nông nghiệp luôn được huyện Đăk Hà xác định là thế mạnh của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và hình thành các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, huyện đã xây dựng 13 sản phẩm đặc trưng của 11 xã, thị trấn (tiêu biểu có măng le xã Đăk Psi; nấm ăn, nấm dược liệu xã Đăk Hring; gạo thơm Đăk La; gà thả vườn Hà Mòn; cam, sầu riêng Ngọc Wang...) và sản phẩm cà phê Đăk Hà của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện.
Kinh tế phát triển kéo theo các loại hình dịch vụ phát triển, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Điều đáng mừng là hiện nay, toàn huyện Đăk Hà đã thu hút được 322 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 84 công ty, chi nhánh, doanh nghiệp tư nhân; 714 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. Toàn huyện cũng đã xây dựng được 49 trường học, tăng 34 trường so với năm 1994, trong đó có 25 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã có bác sỹ và nữ hộ sinh, trong đó có 8 xã và thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế (Thị trấn, Hà Mòn, Đăk La, Đăk Mar, Đăk Ngọk, Đăk Ui, Đăk Psi, Đăk Hring); 59 thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông truyền thống…
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Năm 2018, có 11/64 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 17,2%; không có tổ chức cơ sở đảng yếu, kém.
“Tất cả những thành tích ấy là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà, trong đó có sự đóng góp công sức to lớn của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo đã rất tâm huyết, dày công đem hết sức lực và trí tuệ của mình cho sự phát triển của huyện nhà” - ông Đoàn Ngọc Thắng tự hào.
Cũng theo ông Đoàn Ngọc Thắng, những kết quả trên cũng đã góp phần đưa huyện Đăk Hà đạt được kết quả khởi sắc trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thật vui mừng và phấn khởi khi đến nay, toàn huyện đã có 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới là Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk La (đang phấn đấu đến giữa năm 2019 thêm xã Đăk Ngọk), trong đó xã Hà Mòn là xã “về đích” nông thôn mới đầu tiên của Tây Nguyên; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 17,33%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,2 triệu đồng/năm…
Để phát huy những thành quả đạt được trong 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động sản xuất, có nhiều sáng tạo và đổi mới, quyết tâm xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển, xứng đáng với phần thưởng cao quý - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng – ông Đoàn Ngọc Thắng chia sẻ.
Bài và ảnh: Tú Quyên