Xuất khẩu lao động: ​Lao động thiếu kỹ năng, kinh nghiệm nghề

06/12/2017 13:32

​Thời gian gần đây, nhiều người đi lao động giúp việc gia đình ở Ả rập Xê út đã lần lượt phá vỡ hợp đồng và trở về. Thậm chí, có người đã được các công ty tuyển dụng và đang đào tạo nghề chờ xuất ngoại cũng bỏ về địa phương. Theo các lao động, quá trình ký kết hợp đồng làm việc có thời hạn ngoài nước, rất ít công ty quan tâm đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm thích ứng ở môi trường sống, làm việc nước ngoài cho người lao động. Dẫn đến, người đi xuất khẩu gặp không ít rủi ro, tai nạn khi làm việc ở đất khách quê người.

Nước mắt ở “thiên đường”

Giữa tháng 11/2017, chị Y Thiếp ở thôn Kon Pia, xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) đã đột ngột trở về sau gần 4 tháng đi làm việc có thời hạn ở Ả rập Xê út. Trước đó, chị Y Thiếp là một trong nhiều nữ lao động nông thôn đã bị một số đối tượng môi giới dụ dỗ, tuyển dụng cho Công ty Colecto - Chi nhánh Thanh Hóa (không có giấy phép hoạt động ở địa phương), nhưng vẫn đưa người đi xuất khẩu lao động. Vấn đề này đã được Báo Kon Tum phản ánh trong bài viết: “Tu Mơ Rông: Người dân bị dụ dỗ đi xuất khẩu lao động trái quy định”.

Chị Y Thiếp giãi bày: Trước khi học tiếng đi làm việc ở nước ngoài do Công ty Colecto tuyển dụng, người lao động chỉ được phía đơn vị này giới thiệu sơ lược nghề giúp việc gia đình cho các chủ hộ ở Ả rập Xê út mang sắc màu “lung linh” như: gia chủ giàu có, có máy móc hỗ trợ việc nhà… Cán bộ đào tạo chỉ yêu cầu lao động đến làm việc ở các gia đình này cố gắng học tiếng để thích nghi hoàn cảnh sống mới ở đất khách là ổn hết mọi việc. Quá trình học tiếng, đào tạo nghề giúp việc làm chưa đến 1 tháng, chị đã được công ty này cấp vé máy bay đi Ả rập Xê út.

Song, thực tế trong 4 tháng đi lao động ở Ả rập Xê út (7-10/2017), chị Thiếp đã phải nhảy việc lần lượt 4 gia đình khác nhau. Theo chị, chủ yếu do bất đồng ngôn ngữ và lao động chân tay quá sức nặng nhọc. “Thời gian sinh hoạt của họ thường phải phục vụ việc nhà 23h đến 5h ngày hôm sau. Khi ký hợp đồng với công ty là giúp việc gia đình, nhưng sang đó phải vừa trông trẻ, vừa làm việc nhà. Ngày nghỉ còn tăng ca giúp việc ở họ hàng nhà chủ, nhưng không được trả lương thêm. Tôi cố cầm cự đến tháng 10/2017, nhưng do không có thời gian nghỉ ngơi nhiều, sức khỏe không thể đảm đương nổi. Trong khi tôi được trả lương hàng tháng hơn 8 triệu đồng, nhưng chủ nhà không tự giác trả. Tôi buộc phải hỏi nhiều lần, còn bị chủ mắng, gây khó dễ” - chị Thiếp nhớ lại.

Trường hợp của Y Thiếp, bố mẹ chị đã biết và buộc phải dỡ bỏ 7 cây cột nhà bằng gỗ trắc bán cho tư thương, để lấy số tiền 45 triệu đồng bồi thường cho phía Công ty Colecto do phá vỡ hợp đồng trước thời hạn. Đến giữa tháng 11 vừa qua, chị Thiếp mới được trở về nhà.

Cơ quan chức năng làm việc với các đối tượng bị dụ dỗ đi xuất khẩu lao động

 

Trường hợp khác, chị Y Hmel ở Đăk Prong, xã Đăk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông) cũng bị người quen ở làng dụ dỗ đăng ký đi lao động ở Ả rập Xê út và được Công ty Colecto đưa đi Thanh Hóa đào tạo nghề trái quy định vào tháng 9 vừa qua. Theo chị Hmel ở Thanh Hóa học nghề giúp việc gia đình gần 3 tuần, chị cảm thấy nghi ngờ về viễn cảnh như thiên đường mà cán bộ công ty tuyển dụng vẽ ra.

Theo Y Hmel, khi nghe phía công ty nói về môi trường làm việc quá hoàn hảo, chị có phần nghi ngờ, tự cập nhật thông tin trên mạng xã hội về hoạt động xuất khẩu lao động đi các nước Trung Đông không như lời cán bộ đứng lớp nói. Vì vậy, chị đã tìm mọi cách nói dối với phía công ty là, gia đình có vụ việc dính đến pháp luật cần về giải quyết. Giữa tháng 10 vừa qua, chị được trở về địa phương, nhưng cũng phải mất khoản tiền 13 triệu đồng gọi là đền bù khoản tiền phía công ty này chi phí đi lại, thời gian ăn ở học nghề.

Trường hợp khác là chị Y Ri Na ở xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) cũng đi xuất khẩu lao động ở Ả rập Xê út vào tháng 6/2017, nhưng phải trở về nước 3 tháng sau, do bị tai nạn trong quá trình giúp việc nhà. Thông qua một công ty có giấy phép hoạt động xuất khẩu ở tỉnh, chị đã may mắn gặp chủ nhà tốt bụng. Chị đã làm việc nhà thuận lợi và gửi về gia đình 8,7 triệu đồng nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Đến đầu tháng 8, khi đang vệ sinh hành lang tầng 2 của ngôi nhà, chị bị ngã xuống đất.

Sau tai nạn lao động, chị được chủ nhà đưa vào bệnh viện với chẩn đóan chấn thương nặng vùng xương chậu. Trước đó, chị chưa được trang bị kiến thức về pháp luật, xử lý tình huống tai nạn khi làm việc ở nước ngoài. Chị cứ nghĩ bị tai nạn phải bỏ việc, đồng nghĩa là bồi thường hợp đồng lao động cho phía công ty đưa người đi. Hơn nữa, Ri Na hy vọng vết thương nhẹ, nên cố gắng đề nghị chủ sử dụng lao động giấu kín, không báo về công ty ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nằm viện đến giữa tháng 8 năm nay, đôi chân của chị có dấu hiệu bị liệt, buộc nhà chủ phải thông báo với đơn vị cung ứng lao động phía Việt Nam. Chưa đầy 1 tuần có thông tin của Ri Na, doanh nghiệp đưa người đi đã liên lạc, đưa chị về nước. Chị cho hay: Trước lúc về Việt Nam, chủ nhà nước ngoài đã chi trả toàn bộ tiền thuốc và thời gian nằm viện gần 220 triệu đồng. Về lại địa phương, chị còn may mắn được đơn vị ký hợp đồng tuyển dụng trước đó hỗ trợ gần 50 triệu đồng, do tai nạn trong quá trình lao động. Trường hợp của chị còn được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) hỗ trợ 5 triệu đồng, với lý do bị rủi ro tai nạn phải về nước trước thời hạn hợp đồng.

Ngành chức năng nói gì ?

Quay lại trường hợp Y Thiếp bị một số đối tượng lợi dụng để dụ dỗ đi làm việc có thời hạn ở Ả rập Xê út trái quy định. Quá trình ở nước ngoài làm việc không như hợp đồng, lao động yêu cầu về nước còn bị kẻ xấu gây khó khăn, trục lợi bất chính. Vụ việc này, Sở LĐTB&XH đã vào cuộc. Cụ thể, ngày 16/11, lãnh đạo đơn vị đã về làm việc tại UBND huyện Tu Mơ Rông.

Tại đây, chị Y Thiếp kể, do bất đồng ngôn ngữ, hai bên chỉ biết ra dấu với nhau bằng tay chân, hành động. Quá trình trước khi bay, công ty cung ứng lao động nước ngoài chỉ tập trung dạy tiếng bằng cách đọc to theo cán bộ giảng dạy. Thời gian còn lại, người học ít được đào tạo hướng dẫn, tư vấn và truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình làm việc ở nhà chủ.

Đặc biệt, sau khi các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng bị dụ dỗ đi xuất khẩu lao động trái quy định ở huyện Tu Mơ Rông, cũng như sự vào cuộc của các ngành chức năng và địa phương, phía đơn vị ký hợp đồng trước đó đã chuyển trả lại cho gia đình Y Thiếp số tiền 35 triệu đồng/45 triệu. Anh Thìn - chồng của chị Y Thiếp giải thích: Theo phía công ty, lao động phải thực hiện bồi thường phá vỡ hợp đồng về nước chưa đúng thời hạn ký kết. Nhưng sau đó xem xét, thấy gia đình tôi thuộc diện khó khăn, nên hỗ trợ lại số tiền trên.

Trước thông tin báo cáo của vợ chồng Y Thiếp, tại buổi làm việc ở huyện Tu Mơ Rông, chính quyền các xã đã tham gia nhiều ý kiến không đồng tình với cách đưa người đi lao động nước ngoài của doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng xuất khẩu trên địa bàn chưa đúng quy định. Đại diện UBND các địa phương mong muốn ngành chức năng tỉnh phải có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp trình phương án, cách thức tổ chức tư vấn, hướng dẫn đi xuất khẩu trung thực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề, tập huấn về xử lý tình huống giúp việc cho người nước ngoài, để không lao động nào phải bỏ trốn đi tìm việc khác, hoặc phải thiệt thòi khi sự cố xảy ra.    

Các ý kiến khác còn nhận định, xuất khẩu lao động là một kênh góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Thế nhưng, một số đối tượng xấu vẫn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con vùng sâu, vùng đồng bào DTTS để lừa gạt. Ở các xã vùng sâu đã có 6 trường hợp người dân bị dụ dỗ, mất tiền đưa cho một số đối tượng môi giới đi làm việc có thời hạn ở Ả rập Xê út. Trong khi theo quy định hiện hành, bà con đăng ký lao động ở thị trường này đúng kênh, đúng doanh nghiệp có chỉ tiêu nhà nước giao, thì không mất bất kỳ khoản phí nào. Do đó, đơn vị quản lý các công ty hoạt động trong lĩnh vực này, cần tham mưu tỉnh có đề xuất giải pháp siết chặt quản lý về công tác tuyển dụng lao động. Mặt khác, cũng cần xử lý theo quy định pháp luật đối với một số đối tượng đang lấy tư cách là cộng tác viên (không có sự ràng buộc quản lý nào) đã và đang tiếp tay cho doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động vẫn tư vấn, môi giới và lừa cả tiền người nông dân nghèo để sang tay cho công ty có giấy phép.

 Mai Trâm

Chuyên mục khác