Xuất khẩu lao động ở huyện Tu Mơ Rông: Cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý

26/10/2019 13:01

Năm 2019, hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông tiếp tục có chuyển biến tích cực, nhiều lao động thuộc hộ nghèo DTTS đã đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lao động ra khỏi địa phương nhưng không liên lạc với người thân, gây ra lo lắng và bất an cho gia đình, cộng đồng…

Lao động mất liên lạc, người thân lo lắng

Gần đây, trên địa bàn các xã của huyện Tu Mơ Rông, nhiều người dân phản ánh đến các cấp và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh về việc người thân đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út nhưng không liên lạc với gia đình, nhất là sau thời gian xuất cảnh ra nước ngoài cho đến nay.

Điển hình như chị Y Hồng ở thôn Kon Hia (xã Đăk Rơ Ông). Tháng 8/2019, chị Hồng đã ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động tại thị trường Ả Rập Xê Út, thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư T.A DMC. Sau đó, chị được Công ty này đưa ra Hà Nội để học ngoại ngữ và xuất cảnh đi làm việc có thời hạn 2 năm ở nước ngoài. Từng ấy ngày rời khỏi địa phương, gia đình chưa hề liên lạc được với chị.

Quá lo lắng, chồng và mẹ chị Y Hồng đã nhiều lần lên UBND xã Đăk Rơ Ông phản ánh tình hình chị đi làm ở nước ngoài nhưng không liên lạc được. Hiện tại, vợ chồng Y Hồng thuộc diện nghèo có 4 người con, con trai đầu 13 tuổi và con trai nhỏ nhất được 16 tháng tuổi. Mặt khác, vợ chồng chị đang có khoản nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 4 năm qua và chưa trả được nợ cả gốc lẫn lãi 50 triệu đồng.

Trong lúc chị Y Hồng đi xuất khẩu lao động còn chưa có bất cứ liên lạc gì về cho gia đình, thì không may vừa qua, chồng chị qua đời chưa rõ nguyên nhân. Vậy là, con trai lớn đang học lớp 9 của chị phải bỏ học ở nhà đi làm thuê nuôi các em. Thương các cháu ngoại mồ côi, mẹ của Y Hồng đã phải đưa các cháu về nhà chăm sóc.

Chúng tôi đến thăm mẹ chị Y Hồng, nhưng bà không biết nói tiếng Kinh, bà Y Blú - cô ruột chị Y Hồng chia sẻ: Từ lúc đi đến giờ cháu gái vẫn chưa liên lạc với gia đình, chồng mất cháu cũng không biết. Người thân rất lo lắng, không biết cháu có được làm việc hay không, ở nơi xứ lạ có bị lừa thế này thế kia không… Bố mẹ cháu mất ăn mất ngủ nhưng không biết gặp ai để hỏi tình hình về con gái, họ chỉ biết lên gặp lãnh đạo xã Đăk Rơ Ông báo sự việc...

Cán bộ xã Đăk Rơ Ông thăm hỏi gia đình chị Y Hồng. Ảnh: MT

 

Không riêng trường hợp của Y Hồng, chúng tôi được ông Bùi Văn Viên - Chủ tịch UBND xã Đăk Na thông tin, từ tháng 8 đến ngày 20/10/2019, địa phương liên tục nhận phản ánh của gia đình 3 lao động Y Bao, Y Mlé, Y Vắt đi làm việc có thời hạn ở Ả Rập Xê Út đến nay đều không có tin tức hay liên lạc gì với gia đình. Đơn vị đưa 3 lao động đi khỏi địa phương là Công ty Cổ phần Đầu tư T.A DMC.

Cán bộ chính quyền cơ sở vào cuộc

“Trước tình hình lao động đi ra khỏi địa phương không có tin tức, tôi đã chỉ đạo cán bộ xã Đăk Na phối hợp với Hội Phụ nữ địa phương nắm tình hình thực tế hoàn cảnh của từng lao động liên quan. Sau đó, chính quyền đã báo cáo tình hình lên UBND huyện Tu Mơ Rông và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư T.A DMC là đơn vị đưa lao động ra khỏi địa bàn tìm mọi cách cho người xuất khẩu lao động liên lạc với người thân tại địa phương. Đến ngày 22/10, gia đình 3 lao động Y Bao, Y Mlé, Y Vắt báo cáo với UBND xã là đã điện thoại trực tiếp nói chuyện với người thân về tình hình làm việc và sinh hoạt ở nước ngoài…” - ông Bùi Văn Viên thông tin.    

Trở lại trường hợp của Y Hồng, bà Mai Thị Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông nói: Trước đó, theo quy trình hoàn tất thủ tục đi xuất khẩu lao động của lao động này, thì người nhà bao gồm chồng và bố mẹ bên chồng, bố mẹ bên vợ đều đồng ý ký vào bản cam kết thống nhất để Y Hồng đi làm việc ở nước ngoài 2 năm. Sau đó, Y Hồng lấy giấy tờ cá nhân ra xã làm đầy đủ các thủ tục hồ sơ theo quy định pháp luật mới được công ty đưa đi Ả Rập Xê Út. Khi gia đình phản ánh lên UBND xã về việc Y Hồng không liên lạc với gia đình từ ngày ra khỏi địa phương, tôi đã tìm lại các loại giấy tờ trong hồ sơ lưu trữ của lao động này nhưng không có bất kỳ số điện thoại cá nhân nào để liên lạc khi cần. Do đó, tôi đã báo cáo UBND xã kiến nghị Công ty Cổ phần Đầu tư T.A DMC cần phải sớm thông tin, kết nối liên lạc với Y Hồng nhằm nắm bắt tình hình của lao động như thế nào ở nước ngoài, cũng như cuộc sống của các con đang gặp khó khăn khi chồng không may qua đời ở tại quê nhà.

Bà Luận nói thêm: Về hoàn cảnh gia đình của Y Hồng có chồng bị chết và các con còn nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn, chính quyền xã kiến nghị Công ty Cổ phần Đầu tư T.A DMC phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người lao động đi tham gia xuất khẩu lao động, nhất là tạo điều kiện cho liên lạc và gửi tiền lương hàng tháng về cho gia đình. Mặt khác, trong thời gian Y Hồng ở nước ngoài làm việc cho hết thời hạn hợp đồng lao động đã ký kết, phía công ty cũng nên hỗ trợ cho các cháu nhỏ dưới 16 tuổi đảm bảo hưởng các quyền lợi của trẻ em như được chăm sóc cơ bản đầy đủ về vật chất, tinh thần và tiếp tục đi học văn hóa…

Trách nhiệm của các ngành chức năng?

Khi chúng tôi đặt vấn đề về tình hình lao động trên địa bàn huyện đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, lãnh đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông chỉ cung cấp số liệu: Từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư T.A DMC đã đưa 11 lao động ra khỏi tỉnh, trong đó có 8 lao động đi làm việc có thời hạn ở Ả Rập Xê Út.

Còn ông Trần Thế Vũ - Trưởng phòng Lao động và Tiền lương - BHXH (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay: Trường hợp Y Hồng, lãnh đạo sở đã nắm bắt được thông tin từ 10 ngày trước do cơ sở báo lên. Hiện, đơn vị đã chủ động liên hệ với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông yêu cầu báo cáo tình hình cụ thể cho UBND huyện.

Trao đổi với ông Trần Văn Thiện - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chúng tôi được ông cho biết: Hiện tại, lãnh đạo Sở chưa nắm rõ mọi thông tin liên quan việc người dân huyện Tu Mơ Rông phản ánh người thân từ khi đi xuất khẩu lao động đến nay không liên lạc với gia đình. Vào cuối tuần này, lãnh đạo đơn vị sẽ có buổi làm việc trực tiếp với UBND huyện Tu Mơ Rông, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và các xã nhằm nắm bắt các vấn đề, thông tin chi tiết về từng lao động đi Ả Rập Xê Út đang có vướng mắc, tồn đọng và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư T.A DMC. Sau đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản báo cáo tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, trong đó có cơ quan báo chí về tình hình hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn Tu Mơ Rông.

Mai Trâm

 

 

Chuyên mục khác