Xuất khẩu giúp việc gia đình ở Ả Rập Xê Út: ​Liệu có “đem con bỏ chợ”?

30/05/2018 07:01

​Thời gian gần đây, phóng viên Báo Kon Tum liên tiếp nhận được thông tin người lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Ả Rập Xê Út bị chủ sử dụng lao động ở nước sở tại yêu cầu làm việc vượt quá thời gian quy định theo hợp đồng, bị đối xử bạo hành; thậm chí có người chưa đủ tuổi lao động vẫn “bay” trót lọt… Những bất cập này rất cần ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý.

Lao động khẩn cầu giải cứu

Tháng 4 vừa qua, phóng viên Báo Kon Tum đã nhận được đơn trình bày của anh Nguyễn Quốc Duy, ở tổ 5, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) về việc: Ngày 20/12/2016, bà Tăng Thị Liên (mẹ của anh Duy) ký hợp đồng với Công ty CP Xây dựng cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân tại Hà Nội (gọi tắt là Công ty Tamax Hà Nội) đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Ả Rập Xê Út 2 năm.

Trong đơn trình bày của anh Duy, hơn 18 tháng ở nước ngoài, mẹ đã điện thoại về phản ánh, bà bị chủ sử dụng lao động bắt làm việc nhà 17 tiếng/ngày, không đúng theo hợp đồng đã ký kết trước đó (thời gian làm việc tối thiểu 9 tiếng liên tục/ngày và được nghỉ một ngày thứ 6 trong tuần). Bà bị chủ sử dụng lao động đối xử bạo hành, không cho ăn uống đầy đủ, không được trả lương 3 tháng đầu tiên. Bà còn bị chủ nhà cũ bán sang cho chủ nhà mới, trong lúc lao động đang bị ốm nặng (đau tai, đau mắt) cần phải phẫu thuật, chăm sóc.

“Hiện tại, mẹ tôi cứ điện thoại, chụp ảnh gửi về với thể trạng mệt mỏi, sụt cân, toàn thân ốm yếu, tóc rụng, răng rụng và không có sức tiếp tục chịu đựng để làm việc. Tôi đã liên lạc số điện thoại ông D.- người của Công ty Tamax Hà Nội, để kêu cứu, nhờ can thiệp cho bà sớm về nước chữa bệnh. Tuy nhiên, đến nay, mẹ tôi vẫn chưa được giải quyết theo nguyện vọng cá nhân. Tôi cũng nhiều lần lên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Sở LĐ-TB&XH để cầu cứu nhưng không có tiến triển” - ông Duy bức xúc nói.   

Chưa dừng ở trường hợp này, khoảng 2-3h sáng các ngày 20-24/5, phóng viên Báo Kon Tum tiếp nhận cuộc gọi từ chị Y Đông (sinh năm 1993, ở thôn 4 xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) đang đi XKLĐ ở Ả Rập Xê Út đề nghị giúp đỡ sớm về nước trước thời hạn hợp đồng đã ký trước đó với Công ty Tamax Hà Nội.

Chị nêu lý do: Ngày 19/1/2017 cho đến tháng 3/2018, tôi đi xuất khẩu lao động Ả Rập Xê Út, do Công ty Tamax Hà Nội ký kết hợp đồng có thời hạn 2 năm. Trong thời gian đó, bản thân bị chủ nhà cũ sử dụng lao động 14 tháng, sau đó bị bán sang chủ mới. Thời gian giúp việc gia đình cho người Ả Rập Xê Út, tôi đã bị cả 2 chủ nhà trên đối xử tệ bạc. Họ yêu cầu tôi làm việc nhà 18-19 giờ/ngày. Trường hợp tôi không làm theo việc theo ý chủ, sẽ không được cho ăn uống đầy đủ, có hôm bị bỏ đói.

Y Đông cho biết, khi gặp sự cố, chị đã liên lạc với ông D. là người đại diện của Công ty Tamax Hà Nội tuyển dụng lao động Kon Tum đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc bị ngược đãi, làm việc quá giờ theo quy định hợp đồng đã ký trước đó với chủ sử dụng lao động. Nhưng đến nay, trường hợp của chị vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Tháng 4 đến nay, chị bị mất việc làm, phải tạm lánh ở nhà tạm trú lao động ở Ả Rập Xê Út.

Chị vừa khóc, vừa nói qua voice messenger: “Tôi mong muốn Báo Kon Tum lên tiếng, hay làm cách nào để tôi được về Kon Tum càng sớm càng tốt.  Ở Kon Tum, hiện tại, con trai và mẹ già của tôi đang sống nhờ vào tiền đi XKLĐ gửi về. Nhưng vài tháng gần đây, tôi không đi làm, thì lấy đâu ra tiền để gửi về”.

Liên quan đến phản ánh không tích cực ở thị trường XKLĐ này, chiều 22/5, phóng viên Báo Kon Tum còn tiếp nhận thông tin từ ông A Đỗih - Trưởng thôn Kon Ngol Klã, xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum), tháng 9/2017 đến nay, trong làng có 4 phụ nữ đi xuất khẩu lao động Ả Rập Xê Út nhưng không thông báo, nhắn tin cho người thân.

Y Lan (bên trái) ký kết hợp đồng lao động đi Ả rập Xê út tháng 9.2017 nhưng hiện vẫn ở địa phương. Ảnh: M.T

 

Điều đáng chú ý, Trưởng thôn cung cấp thêm 1 trong 4 người đã đi làm ở nước ngoài, có Y Lao sinh năm 1999 chưa đủ tuổi lao động nhưng sử dụng tên chị gái là Y Lan sinh năm 1995, để làm hộ chiếu mang tên Y Lan và tự ký kết hợp đồng lao động với Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát - Chi nhánh Thanh Hóa (thuộc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát có trụ sở tại Hà Nội) đi giúp việc gia đình có thời hạn tại Ả Rập Xê Út.    

Để củng cố thêm thông tin trên, phóng viên được ông A Đỗih đưa đến nhà cha mẹ của Y Lao, Y Lan. Tại đây, phóng viên đã gặp Y Lan, người này xác nhận: Y Lao lấy tên của em (Y Lan - PV), rồi ký vào các giấy tờ làm hồ sơ, thủ tục bay đi Ả Rập Xê Út làm việc rồi. Việc làm này, người phía Công ty Vĩnh Cát - Chi nhánh Thanh Hóa cũng biết.

Bà Y Ăh - mẹ của Y Lao thắc mắc: Con gái tôi đi XKLĐ gần 1 năm, mà tôi vẫn chưa có tin tức, hay liên lạc được với nó?

Các doanh nghiệp nói gì?

Từ những vụ việc trên, phóng viên Báo Kon Tum đã làm việc với một số doanh nghiệp đưa người dân đi XKLĐ. Tuy nhiên, cán bộ của các công ty này đều đang ở Hà Nội, hoặc Thanh Hóa.

Cụ thể, ngày 25/5, trao đổi điện thoại với ông Lê Đình Toàn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát có trụ sở tại Hà Nội, kiêm Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát - Chi nhánh Thanh Hóa chịu trách nhiệm ký trực tiếp hợp đồng tuyển dụng lao động Y Lan đi Ả Rập Xê Út. Ông Toàn nói đang ở Hà Nội và khẳng định: “Công ty của tôi có ký hợp đồng với bà Y Lan đi XKLĐ đúng trình tự, thủ tục pháp luật và hiện tại đang làm việc tốt, ổn định ở Ả Rập Xê Út, không có vấn đề gì”.

Tuy nhiên, khi được phóng viên cung cấp chứng cứ, lao động Y Lan - người đứng tên ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát - Chi nhánh Thanh Hóa đi Ả Rập Xê Út, vẫn sinh sống tại thôn Kon Ngol Klã, xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum), ông Toàn đề nghị cho vài giờ xác minh thông tin. Sau đó ông Toàn chủ động liên lạc với phóng viên, giải thích: Thực tế, tôi đã điện thoại cho cán bộ tuyển dụng lao động Y Lan điện thoại xác minh ở đấy (Kon Tum - PV) đúng là cô Y Lan đứng tên trong hợp đồng lao động do Công ty đã ký đi XKLĐ, nay người đó đang ở nhà. Hơn nữa, cán bộ liên lạc về gia đình lao động, thì trước đó thể theo nguyện vọng Y Lan đồng ý cho em Y Lao mượn tên đi xuất khẩu lao động. Tôi đã nói với cán bộ này là, việc làm của các cô là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến công ty...

Kết thúc điện thoại, ông Toàn hứa với phóng viên Báo Kon Tum sẽ yêu cầu cán bộ của Công ty đang phụ trách tuyển dụng lao động tại tỉnh Kon Tum sớm cung cấp số điện thoại của lao động Y Lao đang làm việc tốt, ổn định ở nước ngoài về cho gia đình liên lạc.

Trường hợp kiến nghị của bà Tăng Thị Liên, phía Công ty Tamax Hà Nội cho biết đã có văn bản ngày 15/5/2018 về việc giải quyết khiếu nại của lao động. Trong đó, có nội dung văn bản trả lời: “Những ngày đầu tiên cho đến khi bà Liên hoàn thành hợp đồng làm việc ở Ả Rập Xê Út, Công ty luôn trợ giúp lao động này, nhiều lần gọi điện thoại nói chủ nhà chuyển trả lương cho người làm về gia đình ở Việt Nam. Vấn đề kiến nghị về ăn uống và thời gian làm việc của bà Liên, cán bộ phía công ty đã nhiều lần trao đổi trực tiếp với bà Liên, thời gian làm việc cũng không có gì quá vất vả. Đặc tính của người dân sở tại rất ít ăn cơm, chủ yếu là bánh mì, chủ sử dụng lao động đã tạo điều kiện cho bà Liên tự nấu nướng thức ăn theo khẩu vị cá nhân. Mặt khác, vấn đề sức khỏe, bà Liên nói đôi mắt bị mộng chèn rất khó chịu, nhìn không rõ, chủ nhà đã đưa đi khám, điều trị xong”.

Riêng trường hợp Y Đông đang ở nhà môi giới lao động Ả Rập Xê Út kêu cứu, phóng viên có phản ánh với ông D - cán bộ Công ty Tamax Hà Nội. Ông D đã nhắn tin (qua điện thoại) với phóng viên: “Trân trọng mời phóng viên Báo Kon Tum đến Văn phòng Công ty Tamax để làm việc cụ thể. Hoặc phóng viên có thể gửi đơn khiếu nại của gia đình lao động Y Đông về Công ty ở số 5F đường Nguyễn Cảnh Dị, phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, để giải quyết theo quy định”.

Trước kiểu tuyển dụng, tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến người dân đi XKLĐ như trên của các doanh nghiệp rất cần được ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, giúp đỡ, đồng thời xem xét những bất cập trong công tác tư vấn, tuyển dụng xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở thị trường Ả Rập Xê Út để chấn chỉnh kịp thời.    

Mai Trâm

Chuyên mục khác