11/02/2021 06:24
Lập nghiệp trên vùng đất mới
Xe chúng tôi lướt nhanh trên con đường trải nhựa phẳng lỳ dẫn vào thôn Thanh Xuân. Hai bên đường thấp thoáng những ngôi nhà mới khang trang, ẩn sau những rẫy cà phê xanh bạt ngàn.
Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Thanh Xuân- anh Vi Thanh Dưỡng (29 tuổi) tình nguyện làm người dẫn đường cho chúng tôi. Dọc đường chúng tôi cảm nhận không khí vui tươi, phấn khởi của người dân đang chuẩn bị đón mùa Xuân mới.
Dừng chân bên đập Mùa Xuân, Trưởng thôn Vi Thanh Dưỡng cho biết: “Theo già làng trong thôn, người Thái đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này sinh sống cách đây hơn 40 năm (vào năm 1979). Cảm thấy đất đai ở đây trù phú, tươi tốt, nhất là có hồ Đăk Ui rộng lớn (bây giờ là đập Mùa Xuân) nhiều tôm cá, thuận lợi cho phát triển, nên đã động viên để những người bà con di cư vào đây lập nghiệp”.
|
Dần dần, từ ít đến nhiều, bà con dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn và huyện Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa lần lượt vào đây lập nghiệp. Quá trình di cư chia thành nhiều đợt, nhưng số người Thái di cư vào đây nhiều nhất là vào năm 1991. Ban đầu vùng đất này thuộc thôn 8 (xã Đăk Ui) cũ, sau này chia tách thành thôn Thanh Xuân (xã Đăk Ngọk).
Trưởng thôn Vi Thanh Dưỡng cho biết, cái tên Thanh Xuân như cầu mong cuộc sống của bà con ở đây luôn tràn đầy sinh khí như mùa xuân, lạc quan và yêu đời và cũng là được “chiết tự” từ tên gọi Thanh Hóa (nơi quê hương bản quán của bà con) và đập Mùa Xuân ở đây.
Xây dựng cuộc sống ấm no
Tôi đứng trên bờ đập Mùa Xuân trong khí trời mát mẻ. Mùa này gió thổi lồng lộng, phóng tầm mắt ra xa ngắm những con đường khang trang, những dãy cà phê xanh tốt. Trưởng thôn Vi Thanh Dưỡng “khoe”: “Hơn 40 năm lập nghiệp, bà con dân tộc Thái nơi đây luôn đoàn kết một lòng, giúp nhau phát triển kinh tế, ý thức gìn giữ và phát huy phong tục tập quán của dân tộc mình. Ngoài các chương trình, chính sách được hỗ trợ của Nhà nước, bà con luôn tự giác vươn lên để có cuộc sống ổn định và sung túc hơn”.
Thôn Thanh Xuân hiện có 104 hộ dân, trong đó có 95 hộ dân tộc Thái (450 khẩu). Trải qua một chặng đường dài phát triển, đời sống kinh tế của bà con ở Thanh Xuân đã có nhiều đổi thay, từng bước vươn lên khá giả, dần ổn định và giàu có.
Ngoài những cây trồng chủ lực như cà phê và cao su, đồng bào Thái nơi đây còn tập trung phát triển đa dạng nhiều loại cây trồng và vật nuôi nhằm tăng giá trị kinh tế.
|
Đặc biệt, những năm gần đây, bà con tập trung phát triển hơn 40ha gừng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, giá gừng trên thị trường lên cao, giúp mỗi hộ thu lợi hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như hộ anh Vi Văn Mới (40 tuổi), bên cạnh diện tích cao su sẵn có, anh chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng hơn 1,5 ha gừng. Nhờ năm nay bán được giá, anh Mới thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ, lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo trong thôn Thanh Xuân chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách của Nhà nước.
Anh Vi Văn Nhạn (45 tuổi)- một trong những hộ cuối cùng của thôn Thanh Xuân làm đơn xin thoát nghèo vào năm 2018, kể lại: “Gia đình tôi có 4 người, con gái đầu học đại học, con gái thứ 2 (sinh năm 2000) đang học lớp 10 thì bị biến chứng sau trận sốt xuất huyết, phải nằm liệt một chỗ. Khó khăn chồng chất, vợ tôi phải ở nhà chăm sóc cho con, tôi trở thành lao động chính. Trước hoàn cảnh đó, gia đình tôi nhận hỗ trợ 50 triệu đồng từ vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo và vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất. Được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón, lại thêm quyết tâm vượt qua hoàn cảnh, đến nay, gia đình tôi đã ổn định cuộc sống, thu nhập trung bình 110 triệu đồng/năm. Năm 2018, cảm thấy kinh tế gia đình đã ổn định và “có của ăn, của để”, tôi tự nguyện xin thoát nghèo”.
Rộn ràng “giai điệu mùa Xuân”
Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới, bà con dân tộc Thái nơi đây vẫn luôn ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc mình. Trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc hàng năm bà con lại nô nức với những làn điệu dân ca truyền thống, tiếng trống, chiêng đặc trưng của đồng bào mình.
Anh Vi Thanh Dưỡng chia sẻ: “Một trong những làn điệu nổi tiếng của dân tộc Thái là điệu khua Luống truyền thống, kết hợp với trống, chiêng tạo ra âm thanh rộn rã và có sức hút kỳ lạ. Tiếng khua Luống như tiếng báo hiệu một mùa màng bội thu, mọi người sum vầy bên nhau ăn mừng, chúc tụng.”
|
Để khua Luống, người dân tạo ra một cái máng dài làm từ những cây gỗ to, thẳng và được đẽo rỗng bên trong. Đối với chày để “khua” thì chọn từ những cành cây nhỏ hơn nhưng cũng đảm bảo sự chắc chắn để âm thanh phát ra được vang xa. Trong dịp lễ hội, mỗi người một chày riêng, quây quần bên nhau theo tốp khoảng 7 người và cùng tạo ra những âm thanh độc đáo.
Khua Luống thường kết hợp với trống, chiêng. Khác với trống, chiêng của một số dân tộc, chiêng của đồng bào dân tộc Thái được treo lên và đánh bằng dùi. Tiếng Luống kết hợp với tiếng trống, chiêng tạo thành một bản hợp xướng sôi động để mọi người cùng quây quần ca hát, nhảy múa.
Đồng bào dân tộc Thái ở thôn Thanh Xuân cũng có phong tục đón Tết Nguyên đán tương tự như dân tộc Kinh. Sau khi xong việc đồng áng, mọi người cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cúng bái tổ tiên và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, đồ ăn thức uống để phục vụ những ngày Tết. Bà con nơi đây còn tổ chức ăn tết tập thể. Theo đó, cả thôn được chia thành 7 nhóm để tổ chức tất niên và tân niên. Trong những ngày tết, các nhóm sẽ đi chúc tụng lẫn nhau và những ngày sau đó cùng giao lưu văn nghệ, thể thao.
Mỗi dịp tết đến xuân về, đồng bào Thái nơi đây thường tổ chức các hoạt động múa xòe, tung còn, nhảy sạp; thưởng thức các món ẩm thực như rượu cần, cơm lam, cá nướng, bánh sừng trâu... Hoạt động này làm cho “tình làng nghĩa xóm” thêm bền chặt, mọi người cùng trao nhau những ly rượu nồng ấm, chan chứa tình cảm, cùng tận hưởng không khí xuân vui tươi ngập tràn.
Trưởng thôn Vi Thanh Dưỡng chia sẻ: “Đã thành thông lệ, sau Tết Nguyên đán khoảng một tháng là nhà nhà trong thôn Thanh Xuân lại chộn rộn chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới. Người Thái ở Thanh Xuân mỗi năm chỉ cúng cơm mới một lần, với mong ước rằng sẽ được sự phù hộ từ đất trời, tổ tiên cho một mùa màng mới bội thu, nhiều may mắn trong cuộc sống”.
Chia tay thôn Thanh Xuân trong chiều muộn, Trưởng thôn Vi Thanh Dưỡng mời chúng tôi có dịp hãy quay lại tham gia vào hoạt động vui xuân những ngày đầu năm mới tại thôn Thanh Xuân, để cùng thưởng thức những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Hoàng Thanh