05/03/2019 06:26
Ở nơi đó, có những người lứa tuổi đôi mươi mới đến với biên cương, tình nguyện gắn bó với nơi này; có những người vài chục năm gắn bó, biên cương không còn là nơi “đất ở” mà “đã hóa tâm hồn”…
Ai cũng vậy, chẳng từ nan gian khó, đường sá xa xôi, cách trở, khí hậu khắc nghiệt, nóng thì nóng rát mặt, mưa thì kéo dài lê thê…, ngày đêm giữ chắc tay súng, lặng thầm cống hiến, hy sinh.
Đã có lần tôi tự hỏi, điều gì các anh có thể vượt qua muôn vàn gian khó, kiên trung rèn luyện như thế? Để rồi, lắng nghe các anh kể, thấy các anh làm, tôi nhận ra rằng, chính là tình đất nước, là nghĩa đồng bào.
Tình cảm thiêng liêng đó là ngọn lửa thắp sáng, dẫn bước các anh vượt qua bao gian khó, “xứ thiêng liêng rừng núi hóa anh hùng”. Tình cảm thiêng liêng đó là sức xuân trên tuyến đường tuần tra mềm mại như dải lụa xanh chạy dọc theo biên cương. Tình cảm thiêng liêng đó là sức trẻ của màu áo xanh, bên màu đỏ của những bông hoa Pơ Lang khoe sắc tháng ba, bên sắc hồng những cành đào đậu khi xuân về, bên những vạt dã quỳ khoe sắc vàng như thứ mật ong ngọt ngào… như thắp sáng ngọn lửa cho bà con nơi vùng khó.
|
Những tên gọi thân thuộc, thân thương: Sông Thanh, Jơ Long, Đăk Blô, Ia Lân, Mô Rai… Những gương mặt sạm đen vì nắng mưa biên thùy luôn nở những nụ cười hồn hậu, thân thương. Hình ảnh các anh như hòa quyện với đất trời biên giới, như đóa hoa tỏa hương sắc giữa muôn ngàn loài hoa… khiến ai nấy đều khâm phục khi mỗi lần gặp, mỗi lần nghe.
Tôi nhớ lần đến với Đăk Blô. Bước chân về phố thị mà sao cứ vấn vương câu chuyện của người lính Biên phòng hơn 20 năm gắn bó với vùng biên, vợ con ở quê nhà, mỗi năm gặp nhau đôi lần vội vã. Những lần con chào đời, chẳng có mặt để sẻ chia, để rộn ràng chung vui niềm hạnh phúc gia đình bé nhỏ.
Biền biệt bao năm trời xa gia đình mà nào có hề chi, các anh đã thấm đẫm tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Những lần tuần tra xuyên đêm, mắc võng tạm ngả lưng mà sao vẫn thấy vui thơ thới. Các anh thức cho dân làng ngủ, cho phố thị yên vui, thanh bình…
Nhớ mãi lần về Đăk Long. Già làng đon đả, xởi lởi đón khách xa như đón người thân lâu ngày gặp lại. Già chỉ tay xuống những luống rau mướt xanh, đàn bò gặm cỏ dưới chân núi, đàn gà con lích chích theo mẹ tìm mồi… mà một hai cảm kích, nhờ các anh bộ đội Biên phòng đấy! Nhờ các anh ghé từng nhà, hướng dẫn cho cách làm ăn, ân cần nhắc nhở chuyện làng, chuyện xóm… mà sao thương yêu, trìu mến.
Có mặt ở những nơi quanh năm mây phủ mưa mù, ở những thôn làng xa xôi, hẻo lánh, các anh vừa là chiến sĩ, vừa là thầy giáo, thầy thuốc và cũng là cán bộ xã, cán bộ thôn, kiên cường, lặng lẽ, tình nguyện tỏa hương, tỏa sáng ở vùng biên.
Tấm lòng của các anh đã trả lại cuộc sống cho những mảnh đời éo le bước qua hủ tục, đem lại cho họ không chỉ miếng cơm manh áo mà còn cả tương lai phía trước. Tiếng lòng của các anh đã cho những lớp học rộn tiếng cười trẻ thơ, bà con thêm con chữ về cho cây lúa nhiều bông. Tình cảm với vùng biên, các anh sẵn sàng trở thành những “kỹ sư nông nghiệp”, miệng nói tay làm, hướng dẫn bà con trồng lúa, lúa tốt, trồng cà phê, cà phê chắc hạt, trĩu quả…
Viết những dòng này khi cao nguyên rộn rã bước vào tháng ba, gió reo, chồi biếc, dân làng và các anh rộn rã mừng vui mở hội. Sức xuân, sức trẻ rộn ràng trên từng thôn làng xa xôi, bừng lên trên những tuyến đường tuần tra biên giới. Cứ ngân nga trong tôi bài hát “Hát về anh người chiến sĩ biên cương”: “Cho tôi ca bài ca về người chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nơi biên cương rừng sâu anh âm thầm chịu đựng gió sương. Dẫu có những gian lao, dẫu có những nhọc nhằn mang trong trái tim anh trọn niềm tin”.
Hát về anh. Các anh đã giúp tôi cảm nhận những cảm xúc thiêng liêng về tình đất nước, về nghĩa đồng bào. Các anh đã góp phần làm nên phên dậu vĩ đại và vững chắc, giữ gìn bảo vệ trọn vẹn hình hài đất nước. Các anh góp sức xuân, sức trẻ, tạo nên những mùa xuân tươi đẹp nơi vùng biên cương.
Liễu Hạnh