Xử lý tình trạng "bò dạo... quảng trường": ​Cần có biện pháp mạnh tay

27/04/2018 07:06

​Trâu bò chăn thả tự do trên quảng trường, công viên, dải phân cách không chỉ trực tiếp phá hoại cây xanh mà còn làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...

1. Giữa trưa nắng gắt, đàn bò hơn chục con từ hướng đường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) "đổ bộ" lên hoa viên tại ngã 5 Đăk Cấm vặt trụi bất cứ loại cây cỏ nào có thể ăn được tại đây. Trước đó, chúng đã "càn quét" ở các đảo chỉ hướng và leo hẳn lên vòng xoay để tìm kiếm thức ăn.

Chị chủ quán cà phê gần đó hét toáng lên kêu người chăn - một người đàn ông khoác túi, đội mũ rộng vành đang ngồi dưới mái hiên - đuổi bò đi nhưng ông ta làm ngơ.

"Thế này thì phá hết hoa cỏ mà chị em công nhân môi trường dày công chăm bẵm rồi còn gì"- chị nói, rồi vội vàng băng qua đường đuổi đàn bò ra khỏi hoa viên.

Cứ vài ba ngày, đàn bò này lại "ghé thăm" nơi đây một lần, nếu may, có người sống gần đó đuổi đi hoặc gọi điện báo cho công nhân môi trường đến đuổi thì còn đỡ, nếu không thì chúng vặt trụi hết cây cỏ, hoa lá.

“Người dân ở đây cũng bức xúc lắm, nhắc nhở mãi mà chủ của đàn bò bỏ ngoài tai, nhiều khi họ đuổi bò đến gần rồi tránh mặt. Lẽ ra, UBND phường cần cử lực lượng trực bắt và phạt nặng may ra người ta mới sợ” - chị chủ quán nói một hơi.

Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện ta có thể thường gặp ở khu vực vòng xoay ngã 5 Đăk Cấm hoặc ở bất cứ công viên, hoa viên nào trên địa bàn thành phố Kon Tum. Chúng gặm cỏ, giẫm đạp cây cảnh, thảm cỏ hoa viên, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Ngay cả ở Quảng trường 16/3, được xem là "bộ mặt" của tỉnh, nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng của cả tỉnh, được công nhân môi trường đô thị chăm sóc kỹ lưỡng cũng thường bị những đàn bò "tấn công" bất cứ khi nào, sáng sớm, buổi trưa hay chiều tối.

Một đàn bò đang ''càn quét'' vòng xoay ngã 5 Đăk Cấm. Ảnh: T.H

 

Mới đây, vào chiều 17/4, một đàn bò thả rông trên Quảng trường 16/3, không chỉ “tấn công” bãi cỏ mà những bồn hoa cũng bị phá hoại.  

Mất mỹ quan đô thị, phá hoại hoa cỏ nơi công cộng đã đành, điều khiến nhiều người lo ngại hơn là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Chiều 12/4, ở hoa viên trước cổng Trường Trung học Phổ thông Duy Tân (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) có một đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, bất chợt một con lồng lên nhảy ra đường quệt vào 2 em học sinh đi xe đạp, may mà sau cú "va chạm", 2 em chỉ bị trầy xước nhẹ.

Một thanh niên ở gần chạy tới giúp 2 em dựng xe đạp lên cho biết đàn bò này thường qua đây ăn cỏ trong hoa viên, rồi “hành quân” sang phía đường Duy Tân. Không có người chăn dắt, chúng cứ nghênh ngang giữa phố, thỉnh thoảng lồng lên, người đi đường không cẩn thận gặp tai nạn như chơi. 

Dải phân cách trên đường Phan Đình Phùng (đoạn cửa ngõ phía bắc và phía nam thành phố) cũng là địa điểm ưa thích của những... đàn bò. Được thiết kế rộng rãi, được trồng cỏ, hoa khá đẹp, nhưng có một hình ảnh không đẹp thường xuất hiện là bò được chăn thả tự nhiên, thủng thẳng gặm cỏ, cây cảnh giữa dải phân cách.

Một nữ công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum phụ trách đoạn đường này bức xúc: Chúng tôi là những người trực tiếp chăm sóc cây ở tuyến đường này, cây đã khó phát triển lại còn thường xuyên bị trâu, bò của người dân tàn phá. Chúng thường tới đây ăn cỏ, ăn lá cây thậm chí giẫm lên làm cây gãy đổ.

Nhiều lần tôi và anh chị em khác chờ gặp kỳ được để phản ánh với chủ nhân của đàn bò nhưng không có tác dụng, người ta nói "tôi thả ngoài đường chứ thả vào vườn nhà cô đấy à. Buồn lắm anh ạ" - chị kể.

Và chị kiến nghị: Mong các cấp, ngành liên quan sớm có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng này, vừa để chúng em đỡ khổ, vừa góp phần giữ gìn mỹ quan đô thị và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mỗi khi đi qua con đường này.

2. Điều đáng nói là, ở tất cả quảng trường, công viên, hoa viên, dải phân cách, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý đều đã cắm biển “Cấm chăn thả gia súc”, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Vậy đâu là lý do?

Trong một lần điện thoại cho anh Nguyễn Đình Chương - Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum để thông báo có một đàn bò hàng chục con đang càn quét tại vòng xoay ngã 5 Đăk Cấm, tôi có thắc mắc về việc vì sao cứ để tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài mãi?

Anh Chương cho hay, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, họ không cho rằng việc thả rông gia súc là ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, là phá hoại nên rất khó để thay đổi tập quán chăn thả của người dân.

Theo anh, mặc dù pháp luật đã có quy định xử phạt hành chính về vấn đề này nhưng trong thực tế tình trạng này diễn ra phổ biến và chưa có ai bị phạt nên chủ gia súc không sợ. Câu hỏi đặt ra là ai phạt hành vi này? Đơn vị quản lý thì không được rồi, chỉ có chính quyền địa phương, nhưng có lẽ họ không chú ý đến "mấy chuyện lẻ tẻ" này.

Trên thực tế, ở một số địa phương khác, như thành phố Đà Nẵng chẳng hạn, chính quyền đã rất kiên quyết và mạnh tay trong việc xử lý nạn chăn thả rông gia súc trong đô thị. Sau nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không hiệu quả, chính quyền đã tạm giữ bò thả rông, thông báo cho chủ sở hữu đến giải quyết, sau đó, chủ bò sẽ bị phạt hành chính và phải chịu chi phí công chăm sóc...

Xem ra, nếu chỉ “cấm suông” thì không đủ sức răn đe, đã đến lúc cần áp dụng hình thức xử phạt nghiêm đối với hành vi chăn thả gia súc tại các công viên, hoa viên, quảng trường - Giám đốc Chương kiến nghị.

Thành Hưng

Chuyên mục khác