28/08/2020 06:09
Theo lời kể của người dân, ngày 22/8, 7 cháu trong xóm rủ nhau ra khu vực ruộng lúa để bắt cá. Bắt cá xong, các cháu tới hồ nước để rửa chân tay. Sau đó, 5 cháu đi trước, đi được khoảng 20m quay lại thì thấy 2 cháu còn lại đang vùng vẫy dưới hồ. Hai người dân đang cắm câu cách đó 300m chạy đến cứu nhưng không kịp.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn xã Ia Chim đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của các cháu trong độ tuổi đi học. Mặc dù chính quyền xã và các thôn, làng đã phối hợp với nhà trường tập trung tuyên truyền đến các bậc phụ huynh và các em nhỏ nhưng sự hiếu kỳ, thích tìm hiểu, cùng với sự giám sát chưa chặt chẽ của gia đình đã dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm.
|
“Ở khu vực này, 6 - 7 nhà chung nhau đào 1 hồ ngang 5m, dài 300m, sâu gần 3m lấy nước tưới cà phê. Thôn cũng đã vận động các hộ dân rào quanh hồ, không cho trẻ em xuống tắm. Nhưng do hồ này quá dài nên người dân không rào được hết” - ông Đoàn Văn Sậu, Bí thư Chi bộ thôn Tân An cho biết.
Xã Ia Chim là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất của thành phố Kon Tum. Những năm gần đây thường xuyên xảy ra hạn hán, để đảm bảo nguồn nước tưới, nhiều hộ dân đã đào ao, hồ chứa nước. Tuy nhiên lại không có biển cảnh báo nên trẻ em vẫn đến chơi, điều này rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết thêm: “Hiện nay, trên địa bàn xã có một số diện tích cà phê bị hạn, các hộ dân đã đào hồ lấy nước. Địa phương đã thông báo đến thôn và các hộ dân khi đào hồ cần rào lại và có biển cảnh báo. Riêng trường hợp xảy ra đuối nước này, xã cho lực lượng Công an mời gia đình lên để cam kết rào lại và đặt biển cảnh báo”.
Để tránh xảy ra những vụ đuối nước thương tâm như trên, chính quyền địa phương cần triển khai đặt biển cảnh báo tại các khu vực ao, hồ. Đồng thời tuyên truyền cho phụ huynh, các em học sinh ý thức được sự nguy hiểm để phòng, tránh. Với trẻ em dưới 5 tuổi, việc giám sát của người lớn là điều không thể thiếu để đảm bảo an toàn cuộc sống cho các em.
Minh Phượng