23/12/2024 06:05
Xóm tôi là một “xóm trẻ”, như cách gọi của mọi người, vì “chủ hộ” lớn nhất mới trên 50 tuổi. Còn gọi là “xóm quân nhân”, vì khoảng 2/3 trong hơn chục gia đình của xóm có người đang tại ngũ.
Do mỗi người mỗi nhiệm vụ, nên chúng tôi ít có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện. Thỉnh thoảng gặp vào dịp cuối tuần, cuối năm, hoặc có người được cắt phép về nghỉ mấy ngày.
Hình ảnh tôi thường thấy nhất là những sáng sớm, khi sương đêm còn phập phồng thở trên những mái nhà, đã nghe tiếng kéo cánh cửa ở một nhà nào đó. Và anh sĩ quan xốc ba lo vừa đi vừa ngoái đầu lại, vẫy tay chào vợ con, rồi vội vàng lên xe về đơn vị.
Với lính biên phòng thì gắn bó lâu dài với biên cương, rừng núi, với bản làng, đồng bào các DTTS; là phải chấp nhận cuộc sống hiểm nguy, xa gia đình, sinh hoạt không theo “quy luật”.
Còn “quân chủ lực” cũng vậy, tháng “đảo” qua nhà vài ngày. Còn khi đơn vị hành quân huấn luyện, hay làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, các anh đi biền biệt mấy tháng trời.
|
Mùa mưa bão, các anh cùng bộ đội trắng đêm vào tận từng nhà vận động, rồi đưa người dân đến nơi sơ tán an toàn. Họ dầm mình trong mưa lũ, cõng người già, dìu trẻ em, chở tài sản; chia sẻ luôn cả phần thức ăn, nước uống của mình cho bà con. Khi lũ rút còn ở lại giúp dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Hết ngày dài đến đêm thâu miệt mài với muôn vàn công việc.
Nhất là thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, cùng với các lực lượng và toàn dân, các anh cũng bước vào cuộc chiến, dù không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go, khốc liệt.
Không chỉ tham gia làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn tại khu vực biên giới nhằm đấu tranh ngăn chặn các trường hợp vượt biên trái phép, các anh còn trực chốt kiểm dịch; bảo vệ khu cách ly; tuần tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch.
Tại các khu cách ly tập trung, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ đầm đìa mồ hôi nấu những bữa cơm ngon, trao tận tay người dân đang thực hiện cách ly cũng trở nên quen thuộc, khiến “bức tranh” chống dịch thêm phần tin tưởng, bớt phần căng thẳng.
Mãi đến tận bây giờ, vẫn đọng trong tâm trí tôi hình ảnh người anh cạnh nhà, một sĩ quan đã có hơn 20 năm trong quân ngũ, đứng trước cửa nhà, trong bộ đồ bảo hộ, ngắm vợ con qua cánh cửa, rồi lặng lẽ quay đi. Sau này anh kể, bước chân lúc ấy như đeo chì, vì đã mấy tháng không về nhà.
Sự hy sinh ấy lớn đến nhường nào, tôi không dám đánh giá. Nhưng tôi không dám chắc, có bao nhiêu người làm được như thế, khi đã đứng trước cánh cổng nhà mình.
Ở cạnh nhà nên tôi biết, hơn 20 năm quân ngũ, dấu chân của anh đã in khắp núi rừng Tây Nguyên; đã trực tiếp tham gia, chỉ huy bao cuộc hành quân giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Những gì anh dành cho gia đình đều gắn với hai từ “tranh thủ”, từ về quê thăm cha mẹ, vợ con ốm đau, về ăn Tết, đến sửa nhà.
Ngay cả khi vợ sinh đứa con thứ hai, anh cố gắng thu xếp để về tranh thủ ít ngày. Nhưng khi vợ trở dạ thì đơn vị được lệnh báo động hành quân. Là sĩ quan chỉ huy, không thể rời đội hình đơn vị trong lúc này. Thế là khi chị lên bàn mổ thì anh cũng lên xe xuống đơn vị. Ngày anh hoàn thành nhiệm vụ, về đến nhà thì con đã 3 tháng tuổi.
May là bà xã cũng hiểu và thông cảm, ít giận dỗi. Mà có muốn giận dỗi cũng khó, vì “gặp nhau lần nào cũng vội/chẳng đủ gần mà giận dỗi. Thương lắm khi bố ở xa, con trẻ cũng chịu không ít thiệt thòi so với bạn bè. Được cái, các cháu cũng tự hào khi bố là bộ đội. Có lần tớ về tranh thủ đi đón con, nghe cháu khoe với bạn "bố tớ là Bộ đội Cụ Hồ đấy"- anh tâm sự.
|
Lâu thật lâu mới về được một ngày, anh lại lụi hụi cuốc đất trồng rau; sửa lại cái chuồng gà; buộc lại hàng rào; mua tôn lợp lại mái bếp bị thủng. Rồi tíu tít đưa con đi dạo. Anh như muốn bù lại cho vợ những ngày tháng vắng chồng, bù đắp cho con những ngày tháng vắng cha.
Khi ngồi viết những dòng này, trong tôi lại trào lên những nghĩ suy về sự hy sinh thầm lặng; công sức, mồ hôi, và cả máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng đã, đang và sẽ góp sức bồi đắp, gìn giữ cơ đồ.
Trải qua 80 năm cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, vì quê hương, làm sao kể hết những ân tình quân dân thắm thiết. Những trang sử truyền thống viết bằng máu xương, bằng công sức của biết bao thế hệ, vẫn đang dày thêm theo từng năm tháng.
Trong những năm kháng chiến vất vả, gian lao mà anh dũng, lớp lớp cha anh, bằng niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và lòng trung với nước, với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.
Thời bình, không có nghĩa người lính bớt gian khổ và hy sinh. Có khác chăng, không có mưa bom bão đạn, mà họ vượt qua gian khổ, họ hy sinh và cống hiến trong lặng thầm.
Ở bất cứ nơi nào, dù là xa xôi, hẻo lánh nhất đều in dấu chân chiến sĩ. Họ cùng ăn, cùng làm, cùng ở với người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Ở tất cả các mặt trận, từ giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ hủ tục; làm đường giao thông đến xây dựng thôn, làng “no đủ - vững mạnh - an toàn”, đều in đậm dấu ấn của bộ đội.
Thật tự hào khi trong đội ngũ điệp trùng ấy có những người anh, người em ở “xóm quân nhân”. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn xứng đáng với niềm tin yêu trong lòng dân, luôn xứng đáng với tên gọi đầy tự hào: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hồng Lam