Xóa mù chữ để nâng cao dân trí

07/09/2016 08:19

Từ tháng 8/2012 - 6/2016, toàn tỉnh đã mở gần 300 lớp xóa mù chữ, sau xóa mù chữ và bổ túc văn hóa cho hơn 6.000 lượt người học. Đến nay, kết quả xóa mù chữ cho người có độ tuổi 15-60, đạt tỷ lệ biết chữ là 96%; xóa mù chữ cho người có độ tuổi 15-35, đạt tỷ lệ biết chữ 98% và xóa mù chữ độ tuổi 36-60, đạt tỷ lệ biết chữ 96%.

Năm 2012 đến nay, thực hiện Kế hoạch số 20-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị và Đề án xóa mù chữ của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2013 – 2020, Sở GD&ĐT đã phối hợp các sở, ngành và địa phương tiến hành nhiều giải pháp tích cực đối với công tác xóa mù chữ. Đến nay, toàn tỉnh có 102/102 đơn vị cấp xã đều đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2015. So với đề án xóa mù chữ của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã hoàn thành sớm kế hoạch và đạt vượt mục tiêu chung đề ra.

BCĐ PCGD thành phố Kon Tum kiểm tra, công nhận lại kết quả PCGD các cấp học, trong đó có nội dung thực hiện XMC ở cơ sở. Ảnh: M.T

 

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các năm qua, công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp kịp thời, tích cực. Cụ thể, tháng 4/2012, ngành GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 20-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; triển khai thực hiện đề án xóa mù chữ của Thủ tướng Chính phủ và “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu của nhiệm vụ xóa mù chữ toàn tỉnh đề ra là, phấn đấu đến năm 2020, có 80% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ. Đối với cấp tỉnh có 85% đơn vị trực thuộc, 85% đơn vị cấp huyện và 80% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ. 

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, đầu năm 2013, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức đoàn thể tiến hành phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 20-KH/TU. Trong đó, nêu rõ mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh, mục đích giúp người chưa biết chữ biết đọc thông, viết thạo, chống mù chữ trong nhân dân, tiến đến góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực có chất lượng và đáp ứng công cuộc phát triển tỉnh nhà thời kỳ CNH-HĐH. UBND tỉnh còn chỉ đạo ngành GD&ĐT quán triệt đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trực thuộc về vai trò trách nhiệm, ý nghĩa của các nội dung công tác xóa mù chữ thông qua các cuộc họp, qua các đợt bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, các chuyên đề, hội thảo...

Ở các địa phương, phòng GD&ĐT phối hợp với UBND cấp xã, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cùng cấp và Ban Mặt trận thôn, làng tổ chức phổ biến, kêu gọi nhân dân phát huy quyền làm chủ và khuyến khích, tạo điều kiện cho người thân lớn tuổi chưa biết chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ. Riêng các sở, ngành liên quan, tạo mọi điều kiện tham mưu, ưu tiên phân bổ kinh phí hàng năm từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT; ưu tiên nguồn kinh phí chi sự nghiệp GD&DT; triển khai cơ chế chính sách, chế độ tài chính mới kịp thời; tạo quỹ đất và quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất liên quan.

Cùng đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, toàn tỉnh đã huy động sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân cùng ngân sách địa phương mua sắm sách vở hỗ trợ cho người học xóa mù chữ; trang bị các tủ sách dùng chung phục vụ cho các hoạt động thông tin, học tập và chống tái mù chữ ở các trung tâm học tập cộng đồng, các thư viện cấp xã, huyện. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, ngành GD&ĐT còn được sự hỗ trợ của lực lượng cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham gia dạy các lớp xóa mù chữ. Vào các dịp hè, lực lượng đoàn viên thanh viên của các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh tình nguyện dạy chữ cho người lớn tuổi chưa biết chữ.

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác điều tra, tổng hợp hiện trạng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ, sau xóa mù chữ, duy trì và nâng cao kết quả liên quan.

Theo số liệu tổng hợp của ngành GD&ĐT, đến nay, toàn tỉnh có 7 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và 94/102 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Hàng năm, đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, được tập huấn nghiệp vụ về công tác điều tra, xử lý số liệu, thiết lập hồ sơ sổ sách liên quan. Công tác củng cố bền vững kết quả xóa mù chữ, hạn chế tái mù chữ, được thực hiện thông qua các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Ở cấp tỉnh, căn cứ kế hoạch có lộ trình đề ra, hàng năm, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở các cấp học. Ngành GD&ĐT còn phối hợp các thành viên Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố tự kiểm tra, đánh giá công tác củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục các cấp, có nội dung thực hiện xóa mù chữ. Sau đó, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, công nhận kết quả các đơn vị thực hiện; đồng thời có văn bản chỉ đạo, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp triển khai giai đoạn tiếp theo phù hợp thực tế. Ngành GD&ĐT cũng thông tin, đơn vị đã thực hiện in ấn, phát hành, biên soạn tài liệu chuyên đề theo chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ nhằm giúp người mới biết chữ có tài liệu đọc hấp dẫn, thiết thực. Đồng thời, giúp họ áp dụng những kiến thức vào thực tế, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống; tổ chức các lớp học nghề truyền thống, nghề ngắn hạn cho những người mới biết chữ.

 Mai Trâm

Chuyên mục khác