10/08/2020 06:07
Theo thống kê của các ngành chức năng, từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống khoảng 311 thùng chất độc hóa học, tương đương với 346.000 lít, trong đó có khoảng 34.000 lít chất độc da cam trên địa bàn tỉnh ta. Chất độc da cam không chỉ tác động mạnh mẽ đến môi trường mà còn để lại những hậu quả, di chứng nặng nề đối với con người và ảnh hưởng tới nhiều thế hệ. Những nạn nhân và gia đình họ phải gánh chịu nỗi đau da cam dai dẳng và nhiều nạn nhân phải sống nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.
Ông Lữ Đức Thìn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Những năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người. Nhiều chế độ dành cho các đối tượng là nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam đã được triển khai như trợ cấp ưu đãi hằng tháng, hỗ trợ về vốn sản xuất, nhà ở, giáo dục, việc làm, khám, chữa bệnh…
|
Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều việc làm nhằm góp phần chăm lo, giúp đỡ, động viên đối với các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam để họ vượt qua nỗi đau da cam. Các cấp hội từ tỉnh đến các xã, phường luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người, mọi nhà chia sẻ và chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam, tham gia ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. 10 năm qua, với tinh thần “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”, toàn tỉnh có đã có trên 700 lượt tập thể và trên 100 lượt cá nhân ủng hộ được gần 7 tỷ đồng cho Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Từ nguồn quỹ này, Hội đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam như: Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, làm nhà mới, sửa chữa nhà cũ, khám chữa bệnh, tặng học bổng, tặng bò sinh sản và tặng quà nhân các ngày lễ, tết cho một số hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn…
Sự hỗ trợ, động viên kịp thời của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân suốt thời gian qua thực sự là nguồn khích lệ, động viên lớn để các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vươn lên trong cuộc sống. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tấm gương điển hình là nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua khó khăn và bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống, tích cực thi đua sản xuất kinh doanh, tham gia công tác xã hội... Tiêu biểu như ông A Thái (thôn Trung Thành 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), là thương binh hạng 2/4, nạn nhân chất độc da cam có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 79%. Với nhiều người sinh hoạt bình thường thôi cũng đã khó khăn, nhưng ông luôn cố gắng để xây dựng cuộc sống đủ đầy và nuôi dạy con cái thành đạt.
Ông A Thái chia sẻ: Tôi luôn có suy nghĩ không thể cứ trông chờ, ỷ lại vào các khoản hỗ trợ, trợ cấp mà bản thân mình phải nỗ lực để lo cho gia đình, con cái. Vì thế, dù sức khỏe yếu nhưng tôi luôn cố gắng lao động cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ đó, mà tôi có điều kiện nuôi được 4 người con ăn học và có việc làm ổn định. Cuộc sống gia đình cũng dần có của ăn của để.
Còn với ông Mã Phi Sơn (thôn 9, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum), gần 10 năm nay, nhờ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, thành phố nên cuộc sống gia đình ông bớt phần khó khăn.
Ông Mã Phi Sơn cho biết: Trước đây còn khỏe thì tôi đi làm thuê, làm mướn được để nuôi các con, chứ giờ sức khỏe đã yếu nên cuộc sống gần như phải nhờ vào khoản tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Những đợt lễ, tết, gia đình cũng có quà của Nhà nước, của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin nên tôi thấy rất ấm lòng.
Trên thực tế, vẫn còn nhiều nạn nhân, con của các nạn nhân vì những lý do như bị thất lạc hồ sơ, không có căn cứ để xác nhận, việc giám định, xét duyệt chế độ chính sách gặp nhiều khó khăn vì vậy, các cấp, các ngành cần sớm xem xét, giải quyết để giúp họ vơi bớt nỗi đau da cam/dioxin, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống…
Thiên Hương