Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân vững mạnh

27/09/2018 07:07

​Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Kon Tum lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2018-2023) diễn ra trong 2 ngày 26-27/9. Đại hội sẽ đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2013-2018; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2018-2023. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Thao Hồng Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Phóng viên: Ông có thể cho biết những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh nhiệm kỳ 2013-2018.

- Ông Thao Hồng Sơn: Nhiệm kỳ qua, được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; sự phối hợp của các cấp chính quyền, mặt trận, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Kon Tum hoạt động, đạt được nhiều kết quả tốt.

Trong những thành tích đạt được, đáng ghi nhận nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hàng năm, có hàng ngàn lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 38.635 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó cấp cơ sở có 21.951 hộ; cấp huyện, thành phố 8.499 hộ; cấp tỉnh 6.312 hộ và cấp Trung ương 1.873 hộ.

Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động nông dân phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách"; nhiều hộ giàu, hộ khá hỗ trợ vốn, cây, con giống… giúp đỡ gần 25.000 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, vươn lên thoát nghèo; tiếp nhận và triển khai quay vòng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền gần 14 tỷ đồng, triển khai 31 dự án cho 496 hộ để phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội củng cố dịch vụ uỷ thác tại cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, có 498 tổ tiết kiệm và vay vốn với 19.400 thành viên. Các tổ này đã hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn cho nông dân, phối hợp giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Kết quả hàng năm, doanh số thu nợ và cho vay đạt trên 100 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ từ 393 tỷ đồng (năm 2013) lên gần 650 tỷ đồng (năm 2018).

Mặt khác, Hội Nông dân tỉnh còn liên kết với Công ty EAKMAT triển khai chương trình hỗ trợ tái canh cây cà phê do tập đoàn Nestle hỗ trợ 50% giá cho hội viên, nông dân. Từ cơ chế trên, thời gian qua, hội viên, nông dân ở các địa phương đã mua được 1.979.741 cây giống cà phê. Hàng năm, các cấp Hội đã tín chấp với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho hội viên, nông dân mua phân bón trả chậm  8.817 tấn, kịp thời chăm sóc cho các loại cây trồng.

Một điểm đáng chú ý nữa là Hội Nông dân tỉnh phối hợp vớí các cơ sở đào tạo nghề tổ chức dạy nghề cho 13.200 lao động. Sau đào tạo, khoảng 60% lao động đã có việc làm; từ đó, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân.

Trên cơ sở đẩy mạnh các phong trào thi đua, đã tập hợp rộng rãi nông dân vào tổ chức, góp phần củng cố và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Trong nhiệm kỳ, đã kết nạp được 15.028 hội viên, nâng số hội viên từ 48.343 hội viên (năm 2013) tăng lên 63.371 hội viên (năm 2018).

Ông Thao Hồng Sơn bên trái ảnh thăm mô hình trồng cà phê của ông A Hiếu ở xã Đăk Mar huyện Đăk Hà. Ảnh: Q.Đ

 

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội cần thực hiện những giải pháp mang tính đột phá nào nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng tại địa phương?

- Ông Thao Hồng Sơn:  Với tinh thần "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển", trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần “hướng mạnh về cơ sở”. Thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hướng các phong trào thi đua yêu nước của nông dân đi vào chiều sâu; trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, dịch vụ. Xây dựng mô hình điểm về sản xuất hàng hóa, cả về cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo đủ sức cạnh tranh trong thị trường. Vận động hội viên, nông dân khai thác mọi tiềm năng đất đai, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; tranh thủ các dự án, các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất. Hàng năm tiếp tục vận động các hộ giàu, khá kết nghĩa giúp đỡ những hộ hội viên, nông dân nghèo nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để sản xuất, tăng thu nhập, phấn đấu vượt nghèo, tiến tới đủ ăn và vươn lên hộ khá, giàu.

Tuyên truyền cho hội viên nông dân nêu cao tinh thần cảnh giác với mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn. Đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển.

*Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

                                                                                 Quang Định (thực hiện)

Chuyên mục khác