Xây dựng thôn, làng DTTS nông thôn mới

25/05/2023 06:54

Việc xây dựng nông thôn mới đang làm thay đổi đời sống người dân và diện mạo các làng đồng bào DTTS, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Kon Tum theo hướng đô thị xanh mới, hiện đại mà không mất đi sự thân thiện.

Thành phố Kon Tum có 60 thôn, làng đồng bào DTTS, gồm 47 thôn/11 xã và 13 thôn/6 phường. Triển khai kế hoạch xây dựng thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thành phố Kon Tum xác định mục tiêu xây dựng 27 thôn, làng DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới, trong đó có 18 thôn, làng điểm (1 của thành phố và 17 của xã, phường).

Theo ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, Thành ủy, UBND thành phố xác định rõ xây dựng thôn, làng đồng bào DTTS nông thôn mới là động lực quan trọng để mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào.

Đây được đánh giá là chương trình thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, dù thành phố Kon Tum đã có dáng dấp, hình hài của một đô thị năng động, nhưng vẫn còn những ngôi làng như Kon Rờ Bàng, Plây Tơ Nha, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… trong nội thành.

Diện mạo các làng DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum thay đổi từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HL

 

Vì vậy, việc xây dựng thôn, làng đồng bào DTTS nông thôn mới còn góp phần rất quan trọng xây dựng và phát triển thành phố Kon Tum theo hướng đô thị xanh mới, hiện đại mà không mất đi sự thân thiện.

Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố Kon Tum đã đề ra và ưu tiên triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể. Trong đó yêu cầu các cấp, các ngành cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sát hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương mình.

Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Huy động, lồng ghép, cân đối, bố trí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn để tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới; chú trọng các dự án phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như nước sạch, thủy lợi, giao thông nông thôn, dịch vụ viễn thông, cơ sở giáo dục, y tế.

Đặc biệt là khuyến khích xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.

Theo đó, người dân được tuyên truyền, vận động, giải thích để hiểu rõ rằng, muốn thôn, làng giàu đẹp trước tiên phải phát triển kinh tế gia đình, nên ai nấy đều hăng say lao động, cùng nhau đoàn kết, chăm chỉ làm ăn.

Bà con sẵn sàng hiến đất đai, tiền của, ngày công để địa phương xây dựng mở rộng đường làng, ngõ xóm cũng như xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương.

Giữ gìn, phát huy nghề truyền thống để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân các làng DTTS. Ảnh: H.L

 

Với những giải pháp cụ thể,  quyết tâm và nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng góp sức của người dân, đến nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 18 thôn (làng) điểm của xã, phường là 7,9 tiêu chí/thôn (143 tiêu chí/18 thôn), tăng 29 tiêu chí so với đầu năm 2022; 5/18 thôn điểm đạt chuẩn 10/10 tiêu chí.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, công tác xây dựng thôn, làng DTTS nông thôn mới trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đáng lưu ý là một số xã, phường chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng thôn nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS, như Ia Chim, Hòa Bình, Vinh Quang, Chư Hreng, Kroong, Đăk Blà, Thắng Lợi, Lê Lợi.

Nội dung xây dựng các thôn, làng đạt chuẩn Bộ tiêu chí thôn, làng nông thôn mới trong vùng ĐBDTTS là nội dung mới, UBND các phường chưa có kinh nghiệm triển khai thực hiện nên còn lúng túng trong xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, công tác huy động nguồn lực, công tác triển khai, theo dõi báo cáo đánh giá định kỳ.

Mặt khác, chưa khảo sát, đề xuất cụ thể danh mục công trình, dự án cần triển khai thực hiện, kế hoạch huy động vốn để triển khai xây dựng thôn đạt chuẩn.

An ninh trật tự tại các thôn, làng DTTS trên địa bàn thành phố còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự. Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn thành phố còn cao (chiếm trên 70% tổng số hộ nghèo toàn thành phố); tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các thôn làng chưa đạt.

Hiện UBND thành phố đang tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường khẩn trương hoàn thành kế hoạch xây dựng thôn, làng DTTS nông thôn mới trên địa bàn năm 2023; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia, tự giác thay đổi nếp nghĩa, cách làm, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước- ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho hay.

Bên cạnh đó, tiếp tục lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở thiết yếu để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, tiếp cận thông tin, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, duy trì chuẩn phổ cập giáo dục.

Và cuối cùng, tiếp tục chọn những cách làm mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương để xây dựng thôn, làng DTTS nông thôn mới một cách thực chất, đảm bảo yêu cầu nâng cao đời sống của người dân.

Hồng Lam

Chuyên mục khác