20/07/2020 13:04
Hiện nay, hầu hết các huyện, thành phố đều có công trình văn hóa (hội trường đa năng, nhà văn hóa cấp huyện, nhà văn hóa thanh thiếu nhi, thư viện, nhà truyền thống, nhà rông, quảng trường, công viên) và công trình thể thao cấp huyện (sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi, nhà tập luyện và thi đấu thể thao) để tổ chức các hoạt động tương ứng.
Toàn tỉnh có 54 nhà văn hóa cấp xã, trong đó 36 nhà văn hóa xã đạt chuẩn (đạt 66%), được trang bị đầy đủ trang thiết bị (bàn ghế, loa, đài, sân khấu) với quy mô 250 chỗ ngồi trở lên, cơ bản đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và các hoạt động vui chơi, giải trí, TDTT, các sự kiện của địa phương, các hoạt động cho trẻ em và người cao tuổi. Các xã, phường, thị trấn còn lại có hội trường trong khuôn viên trụ sở xã, phường, thị trấn; sử dụng đa chức năng liên quan đến các hoạt động chung quy mô cấp xã, trong đó thực hiện cả các chức năng của nhà văn hóa xã. Có 40/102 xã, phường, thị trấn có sân vận động đạt tiêu chí theo quy định của Bộ VHTTDL. Các địa phương còn lại có sân vận động quy mô nhỏ, sân bóng chuyền, sân bóng đá...
Tại các thôn làng ở các địa phương cơ sở của tỉnh ta một số thiết chế sinh hoạt văn hóa (như nhà văn hóa, nhà rông..) cũng được hỗ trợ đầu tư xây dựng làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh hiện có 835 thiết chế sinh hoạt văn hóa (287 nhà văn hóa, 446 nhà rông, 3 nhà dài, 99 nhà văn hóa cộng đồng), phân bố tại 734/756 thôn, tổ dân phố; trong đó 730/756 thôn, tổ dân phố có khu thể thao thôn.
|
Theo đánh giá của UBND tỉnh, 95% nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn theo tiêu chí do Bộ VHTTDL quy định.
Bà Phan Thị Thủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết: Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, việc xây dựng và sử dụng công năng thiết chế VHTT thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khó khăn, bất cập. Trong đó, nổi lên các vấn đề như: tỉnh chưa có quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế VHTT từ tỉnh đến cơ sở. Ở cấp xã, việc quy hoạch và bố trí quỹ đất để xây dựng công trình VHTT được thực hiện lồng ghép trong quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; các đơn vị cấp xã còn lại không có quy hoạch riêng về thiết chế VHTT mà sử dụng lại công trình đã có, hoặc bố trí quỹ đất xây dựng chưa phù hợp với tình hình thực tế; hoặc không có quỹ đất để quy hoạch xây dựng các công trình VHTT, nhất là các vùng đô thị.
Một số mục tiêu của Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế VHTT ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020”; trong đó không đạt được mục tiêu phấn đấu 50% số xã có trung tâm VHTT đạt chuẩn (chưa có xã nào thành lập được trung tâm VHTT xã); chưa đạt mục tiêu 100% thôn, làng có nhà rông, nhà văn hóa - khu thể thao. Đặc biệt là UBND tỉnh chưa trình HĐND tỉnh ban hành chính sách về sử dụng đất, mức kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; chế độ thù lao của cán bộ, cộng tác viên; chính sách thực hiện xã hội hóa văn hóa đối với cấp xã, thôn.
Đa số thiết chế VHTT trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay xuống cấp và lạc hậu so với các tiêu chí của Bộ VHTTDL ban hành; thậm chí một số công trình bỏ hoang. Nhiều nhà văn hóa được xây dựng nhưng thiếu trang thiết bị hoặc trang thiết bị đã cũ, hỏng, thiếu hạng mục công trình phụ trợ, cây xanh... Kinh phí đầu tư dành cho xây dựng các thiết chế VHTT cơ sở còn thấp, thiếu đồng bộ; công tác xã hội hóa còn nhiều hạn chế; việc bảo quản, sử dụng các công trình, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư có nơi còn buông lỏng, thiếu chuyên nghiệp; chưa phát huy được tính cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy các thiết chế VHTT đã có.
Đội ngũ công chức làm công tác phụ trách, quản lý thiết chế VHTT, nhất là cấp huyện và cấp xã chưa đảm bảo về số lượng theo yêu cầu của nhiệm vụ. Ở các địa phương cơ sở chưa xây dựng được quy chế tổ chức, hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao. Hoạt động của một số thiết chế VHTT cơ sở chưa thường xuyên, nội dung và hình thức đơn điệu...
Theo bà Phan Thị Thủy, trong thời gian tới, để thiết chế VHTT hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát lại quy hoạch về thiết chế VHTT nói chung và quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng công trình VHTT nói riêng phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của địa phương; rà soát thực trạng các công trình VHTT hiện có để sắp xếp, có phương án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và phát huy tác dụng của các công trình đã được đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thiết chế VHTT; tiếp tục huy động mọi nguồn lực để xây dựng các thiết chế VHTT cơ sở đảm bảo theo các tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL.
Sở VHTTDL cần hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý chung đối với các thiết chế VHTT cơ sở thuộc ngành quản lý, tránh tình trạng thiếu thống nhất như hiện nay; có cơ chế khuyến khích phát huy tính tự chủ trong quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế VHTT; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở.
UBND các huyện, thành phố cần có quy hoạch để đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà thi đấu đa năng cấp huyện; có phương án sắp xếp, sử dụng nhà văn hóa xã, hội trường xã phù hợp với tình hình thực tế; xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn, tổ dân phố bị hư hỏng, xuống cấp; sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Cao Cường