Xây dựng nông thôn mới ở vùng quê cách mạng

29/04/2023 14:23

Thời gian qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của cán bộ, người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, hạ tầng kinh tế-xã hội đã có những thay đổi vượt bậc, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Đăk Kôi là xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Kon Rẫy. Thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới, địa phương gặp nhiều khó khăn vì thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hệ thống đường giao thông còn thiếu và chưa hoàn thiện. Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, nhất là sự đồng lòng ủng hộ và chủ động, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, già làng, người uy tín, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, với quyết tâm chính trị rất cao.

Ông A Đơm- Bí thư Chi bộ thôn Trăng Nó-Kon Blo (xã Đăk Kôi) cho biết, từ lúc cộng đồng thôn Trăng Nó-Kon Blo được hình thành cho đến nay, các hộ dân trong thôn đều sinh sống hòa thuận, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng luôn được mọi người gìn giữ và phát huy. Khuôn viên nhà rông, nhà ở hay các tuyến đường trong thôn đều có cây xanh che bóng mát và luôn được dọn dẹp gọn gàng, sạch đẹp. Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội, các hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng nguồn thu nhập; đồng thời, tích cực tham gia làm đường bê tông, cải tạo vườn tạp, làm vườn rau xanh, xây dựng gia đình văn hóa, chung tay bảo vệ rừng.

Người dân thôn Trăng Nó-Kon Blo trồng cà phê. Ảnh: Đ.T

 

“Trước đây, người dân trong thôn Trăng Nó-Kon Blo chỉ trồng mì, lúa nước và chăn nuôi nhỏ lẻ để có nguồn thu nhập, thực phẩm phục vụ đời sống. Sau này,  người dân được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và được tiếp cận nguồn vốn vay để trồng thêm cà phê, cây ăn quả, cây mắc ca và nuôi thêm bò, trâu, dê. Nhờ vậy, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn có nhiều đổi thay tích cực, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững”- ông A Đơm cho biết thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Đông- Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi cho hay, trong thời gian qua, trên địa bàn xã có nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu, tích cực tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới, như: A Cường, A Thương ở thôn Kon RGỗh, A Pieang ở thôn Kon Rlong và các cộng đồng thôn Trăng Nó-Kon Blo, Kon RGỗh, Kon Rlong.

Với nguồn vốn đầu tư từ các chương trình MTQG, các nguồn lực hỗ trợ của địa phương, sự huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân và đóng góp của người dân địa phương, đến nay việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Đăk Kôi đã đạt được những kết quả nhất định. Xã đã đạt chuẩn 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Tại xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà), thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, xã có những khó khăn nhất định, như hạ tầng kinh tế-xã hội chưa phát triển, đa số người dân là người DTTS, trình độ dân trí chưa đồng đều và thu nhập kinh tế của hộ gia đình ở mức thấp. Đối chiếu với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới khi đó, xã mới đạt 10/19 tiêu chí.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và những khó khăn đặt ra trong triển khai xây dựng nông thôn mới, cán bộ và người dân trên địa bàn xã Đăk Ui chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp với thực tiễn ở địa phương, ra sức thi đua và nỗ lực phấn đấu để thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xã Đăk Ui nay đã trở thành xã nông thôn mới. Ảnh: ĐT

 

Ông A Khôi- Trưởng thôn Kon Năng Treang (xã Đăk Ui) cho biết, những năm qua, người dân trong thôn đã tham gia cùng Nhà nước xây dựng 3 tuyến đường bê tông có tổng chiều dài 635m với tổng kinh phí thực hiện 635 triệu đồng, trong đó cộng đồng thôn đóng góp 298 triệu đồng; xây dựng nhà rông với tổng kinh phí thực hiện hơn 400 triệu đồng, trong đó cộng đồng thôn đóng góp 300 triệu đồng. Ngoài ra, cộng đồng thôn còn đầu tư hơn 120 triệu đồng để làm sân thể thao và lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời (40 bóng) chiếu sáng tuyến đường chính dài gần 2km đi qua thôn. Nguồn kinh phí mà thôn có được để triển khai thực hiện các công trình chủ yếu được trích từ tiền Nhà nước chi trả phí dịch vụ môi trường rừng mà thôn nhận được hàng năm khi tham gia quản lý, bảo vệ 417ha rừng.

Hiện nay, toàn thôn Kon Năng Treang có 148ha cây trồng hằng năm, 115ha cây trồng lâu năm, 21,38ha rừng trồng, đàn gia súc hơn 280 con, đàn gia cầm khoảng 1.000 con và diện tích ao đất nuôi thủy sản 0,8ha.

Ông Đinh Thư- Chủ tịch UBND xã Đăk Ui khẳng định, xã Đăk Ui đã vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách, lồng ghép sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực phù hợp; gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và phát huy vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới.

“Với sự quyết tâm và các giải pháp đã triển khai thực hiện, đến nay, xã Đăk Ui đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2022 tại Quyết định số 186/QĐ-UBND tỉnh, ngày 12/4/2023”- ông Thư phấn khởi cho biết.     

Đức Thành

Chuyên mục khác