Xây dựng nông thôn mới: Nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua

22/03/2023 06:10

Những năm qua, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.

Đến nay, toàn tỉnh có 42 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 36 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đang được các ngành chức năng thẩm định để đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 19 thôn tại các huyện biên giới đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

Dù những kết quả đạt được là đáng mừng, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo “Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 318/QĐ-TTg), có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn khiến các địa phương, nhất là những địa phương miền núi như tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Người dân tham gia làm hàng rào khuôn viên nhà rông thôn Kon Riêng, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei. Ảnh: NGUYỄN BAN

 

Theo đó, trong giai đoạn này, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã phải đạt 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016- 2020. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí cũng được nâng cao như: Tiêu chí số 10 về thu nhập năm 2022 phải đạt từ 44 triệu đồng trở lên/người và tăng theo từng năm đến năm 2025 là ≥53 triệu đồng); tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo mới quy định hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống, cao hơn gấp 2 lần chuẩn cũ là từ 700.000 đồng/người/tháng trở xuống nên nhiều xã tỷ lệ nghèo tăng cao. Hay như chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, yêu cầu phải có ít nhất 10% hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, trong khi đó hầu hết các xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung dẫn đến khó thực hiện.

 Vì vậy, một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới không duy trì được nhiều tiêu chí, chỉ tiêu. Theo kết quả rà soát, tính đến tháng 2/2023, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 15,82 tiêu chí, giảm 0,43 tiêu chí/xã so với cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, theo quy định Quyết định số 861/QĐ-TTg (ngày 04/6/ 2021) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, các xã khu vực III, khu vực II sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và không còn được hưởng các chế độ ưu đãi, dễ dẫn đến việc khó duy trì được một số tiêu chí. Mặt khác, một bộ phận người dân và cán bộ tại địa phương cũng không muốn phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, vì e ngại mất đi các cơ hội được đầu tư, hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia khác cũng như các chế độ trợ cấp như: Bảo hiểm y tế, hỗ trợ bán trú cho học sinh, phụ cấp lương cho cán bộ, giáo viên công tác tại địa bàn khó khăn, hỗ trợ phát triển sinh kế, cho vay ưu đãi người nghèo khu vực đặc biệt khó khăn. Một số địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện, nhất là đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn những khó khăn. Ảnh: TH

 

Năm 2023, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 4 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới, hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy, sự thay đổi và nâng cao mức chuẩn của một số tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 là phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và để xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững, đi vào chiều sâu, đáp ứng ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống ở khu vực nông thôn. Và, những khó khăn, lúng túng khi mới triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là điều khó tránh khỏi.

Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, ngoài nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa khắc phục những khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện các hạng mục, tiêu chí. Có như thế mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình tỉnh đã đề ra.

Thiên Hương

Chuyên mục khác