Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

12/05/2018 13:14

Năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Với chuyên đề này, có 21 trường mầm non trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng, cải tạo môi trường giáo dục, vui chơi cho trẻ phù hợp, tạo nhiều cơ hội cho trẻ ngày càng phát triển toàn diện hơn.

Mới đây, Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” với 21 trường mầm non tham gia.

Ban tổ chức cuộc thi đã chấm điểm trên video ghi hình (có thời lượng phát không quá 30 phút) các sản phẩm dự thi, đồng thời kiểm tra, thẩm định thực tế từng nội dung ghi hình về xây dựng môi trường giáo dục tổng thể, toàn diện “lấy trẻ làm trung tâm” có hạng mục xây dựng môi trường giáo dục ở trong lớp học, bên ngoài lớp học và xây dựng môi trường giáo dục xã hội.

Qua cuộc thi, có 3 đơn vị đạt loại xuất sắc cấp tỉnh, bao gồm: Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi), Mầm non Sao Mai (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) và Mầm non Thực hành Sư phạm Kon Tum (thành phố Kon Tum).

Trường Mầm non Thực hành Sư phạm Kon Tum có tổng diện tích 6.610m2, 41 giáo viên phụ trách 20 lớp với 560 học sinh.

Cô Châu Thị Bông - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Sư phạm Kon Tum cho biết: Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, Ban giám hiệu đã phổ biến, động viên giáo viên tham gia góp ý, chỉnh sửa phù hợp tình hình thực tế của không gian bên trong, bên ngoài lớp. Nhà trường còn tổ chức thao giảng, mời phụ huynh học sinh cùng dự, đóng góp ý kiến hỗ trợ việc giáo dục trẻ.

“Để xây dựng được không gian bên trong lớp học về văn hóa truyền thống các DTTS, Ban giám hiệu đã vận động phụ huynh người DTTS sinh sống tại phường Thắng Lợi, hỗ trợ đan giúp rổ rá, gùi, dệt vải và may các trang phục thổ cẩm...” - cô Bông nói.

Cô Bông cho biết thêm: Để tạo môi trường bên ngoài lớp học của nhà trường, thời gian qua, các cô giáo còn tranh thủ những ngày nghỉ, lúc rảnh rỗi cải tạo, thiết kế vườn rau của bé, khu vận động, thư viện thân thiện, vườn cổ tích, khu chơi với nước - cát, khu bố trí các trò chơi dân gian được sắp xếp lần lượt nối nhau, tạo nên mô hình giáo dục toàn diện. Riêng các khu vực vui chơi, học tập ngoài trời của trẻ có cơ bản các loại đồ chơi: xích đu, nhà banh, cầu trượt thường, cầu trượt đa năng, đu quay, bậc thang thể dục các loại... Nhà trường còn vận động phụ huynh đóng góp các nguồn nguyên vật liệu phế thải như lốp xe, lon bia, vỏ chai... nhằm tái tạo, thiết kế, trang trí đồ chơi có hình dáng ngộ nghĩnh, kích thích trí sáng tạo phù hợp độ tuổi mầm non.

Học sinh tham quan và được hướng dẫn, giới thiệu về vườn rau xanh tại Trường Mầm non THSP Kon Tum

 

Còn Trường Mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) có khó khăn là khuôn viên với địa hình đồi dốc cao, tổng diện tích gần 8.000m2. Toàn trường có 13 lớp học, gần 500 học sinh.

Với mặt bằng không gian tổng thể không có nhiều khu vực bằng phẳng, Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoa Hồng đã cải tạo không gian bên ngoài lớp học theo cách huy động nhân lực, vật chất từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, đơn vị kết nghĩa xây dựng 1 hồ bơi mi ni chừng 120m2, sâu khoảng 60cm.

“Xung quanh hồ bơi, nhà trường bố trí cát nước, thư giãn câu cá bằng các bộ đồ chơi bằng nhựa để trẻ làm quen môi trường giáo dục dưới nước. Mỗi tiết học kỹ năng bơi, chừng 10 cháu/lớp lần lượt được 2 cô giáo quản lý lớp cho ra khởi động, chơi cát quanh hồ. Sau đó, lần lượt từng cháu được mặc áo phao để xuống hồ bơi lội, có sự hướng dẫn, quan sát của các cô giáo” - cô Lê Thị Hồng Tư - Hiệu Trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho hay.

Khắc phục hạn chế về địa hình khá dốc, Trường Mầm non Hoa Hồng còn cải tạo, xây dựng các lối đi lại bằng bậc tam cấp ngắn, thấp vừa tầm cho trẻ. Quanh khu vực di chuyển này, nhà trường còn trồng nhiều loại hoa, thảm cỏ, cây tiểu cảnh chạy ngang để tạo nên cảnh quan xanh, tươi mát và hạn chế thấp nhất các rủi ro, tai nạn khi trẻ ở lớp bước ra không gian ngoài vui chơi. Ở từng lối đi dẫn ra không gian sân trường của học sinh, các cô giáo còn tận dụng khoảnh đất trống, chăm chút, mở ra khu vườn cổ tích, vườn hoa, vườn cây ăn quả để bé học tập, nhận biết về thế giới xung quanh.

Tạo hình các con vật dân gian trong không gian giáo dục bên ngoài lớp học

 

Gửi sản phẩm dự thi và đạt loại xuất sắc cấp tỉnh, Trường Mầm non Sao Mai (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) đã thuyết phục Ban tổ chức với các không gian vui chơi, học tập của học sinh đa dạng, thu hút trẻ. Trong đó, các giáo viên đã tạo mọi điều kiện để trẻ hoạt động, học tập lẫn nhau các trò chơi vận động, dân gian; tham gia quan sát môi trường, thiên nhiên, chăm sóc cây xanh, vườn rau...

Qua quan sát từ băng ghi hình này, trong mọi hoạt động, giáo viên đặt nhiều câu hỏi giúp trẻ suy nghĩ, giải quyết vấn đề và hành động thực tế. Vài học sinh vừa thực hành, vừa trò chuyện cùng cô giáo, các bạn. Đôi lúc, trẻ chưa biết, chưa quen việc, cô giáo sẽ là người chỉ dẫn, đưa ra gợi ý, khuyến khích trẻ, chơi cùng trẻ, củng cố kiến thức đã dạy bên trong lớp học cho trẻ.

Cô Dương Thị Bản - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai cho rằng: Thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” định hướng cho cán bộ quản lý biết xây dựng ý tưởng quy hoạch, cải thiện cơ sở vật chất, đầu tư trường học thực tế hơn, đáp ứng tốt cho việc giáo dục toàn diện cho trẻ hơn.   

Cùng chơi các trò chơi dân gian

 

Ông Võ Xuân Thủy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Mầm non (Sở GD&ĐT) nhận xét: Qua chuyên đề, các trường mầm non đã tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ của trẻ.

Bài, ảnh: Mai Trâm

Chuyên mục khác