Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” thiết thực, hiệu quả

05/07/2017 08:31

​Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình của các tập thể và cá nhân tiêu biểu. Các mô hình “Dân vận khéo” cơ bản đều thiết thực, hiệu quả, thể hiện được cách làm sáng tạo và kinh nghiệm hay cần được nhân rộng.

Đảng viên làm dân vận khéo

Mặc dù là huyện 30a nhưng những năm qua, huyện Kon Plông luôn được đánh giá là một trong những “điểm sáng” về thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo của tỉnh.

Theo chị Võ Thị Lễ - Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận huyện Kon Plông, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và tiến hành xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, huyện Kon Plông quán triệt quan điểm phải luôn gắn chặt với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, khu dân cư; bởi có như thế mới mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự đồng thuận và niềm tin của dân đối với Đảng. Theo đó, huyện đã xác định trọng tâm là xây dựng các mô hình vận động người nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, vận động học sinh ra lớp, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nạn tảo hôn...

Một trong những điển hình tiêu biểu của phong trào “Dân vận khéo” nơi đây là mô hình nâng cao vai trò, trách nhiệm đảng viên giúp hộ nghèo phát triển kinh tế của chi bộ thôn Điek Tem, xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông).

Buổi sinh hoạt chi bộ thôn Điek Tem

 

Chi bộ thôn Điek Tem có 23 đảng viên đều là đồng bào dân tộc thiểu số  tại chỗ; nhiều năm nay, các buổi sinh hoạt hàng tháng của chi bộ diễn ra sôi nổi, hiệu quả; đảng viên tham gia sinh hoạt đầy đủ, nhiệt tình, trách nhiệm trong đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Anh Đinh Văn Ba - Bí thư chi bộ thôn Điek Tem phấn khởi: Từ khi mạnh dạn đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với nội dung thiết thực, gắn trách nhiệm của đảng viên với phụ trách hộ và nhóm hộ, phân công đảng viên giúp hộ nghèo phát triển kinh tế…, từng đảng viên đã nâng cao được trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ vững mạnh. Chi bộ đã quán triệt cho từng đảng viên phải chăm lo phát triển kinh tế gia đình để làm gương cho bà con dân làng noi theo. Kết quả, hiện, trong thôn có 1 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, 3 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã với thu nhập bình quân hàng năm từ 100-150 triệu đồng, trong đó chủ hộ đều là những đảng viên.

Điek Tem hiện được đánh giá là thôn phát triển kinh tế khá. Bà con không còn độc canh cây lúa mà đã trồng hơn 100ha keo, 80ha bời lời. Đến nay, các hộ dân trong thôn đều đã chăn nuôi có chuồng trại và chăn dắt.

Chị Y Ba (1991) ở thôn Điek Tem cho biết, lập gia đình từ năm 2008 nhưng do không biết cách thức làm ăn nên cái nghèo đeo bám. Năm 2012, hai vợ chồng được các đảng viên trong tổ đảng của chi bộ thôn do A Bình phụ trách thường xuyên xuống vận động nên đã chăm lo phát triển kinh tế gia đình và dựng được ngôi nhà ván để ở. Bên cạnh đó, hai vợ chồng còn mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng 1ha keo; áp dụng khoa học kỹ thuật trồng lúa, bắp lai; phát triển chăn nuôi bò… nên năm 2016 đã thoát được nghèo.

Anh Đinh Văn Ba cho biết thêm, từ ngày mô hình nâng cao vai trò, trách nhiệm đảng viên giúp dân phát triển kinh tế của chi bộ thôn được triển khai, từng đảng viên đã sâu sát cơ sở, gắn bó hơn với quần chúng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ của đảng viên, năm 2016, thôn có 13 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 34%.

Quan tâm lợi ích của dân trước tiên

Đây là một trong những kinh nghiệm được phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) đúc rút trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận ở cơ sở. Đó là lý do giải thích vì sao với sự phát triển của một phường nội thành gắn với nhiều dự án được triển khai nhưng Thống Nhất chưa bao giờ để xảy ra “điểm nóng”.

Thành công trong công tác dân vận ở phường Thống Nhất phải kể đến là các mô hình vận động hàng chục hộ dân tại 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn giãn dân ra khu tái định cư xã Hòa Bình; vận động bà con phát triển chăn nuôi có chuồng trại, không chăn nuôi dưới gầm nhà sàn… Gần đây nhất là mô hình vận động các hộ dân trên địa bàn hưởng ứng, thực hiện tốt dự án đường bao khu dân cư phía bắc thành phố và dự án xây dựng trụ sở làm việc của các sở ngành khối văn hóa - xã hội của tỉnh.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các hộ dân ở phường Thống Nhất đã chấp hành chủ trương thu hồi đất để triển khai dự án của tỉnh

 

Triển khai dự án xây dựng trụ sở làm việc của các sở ngành khối văn hóa -xã hội của tỉnh, phường Thống Nhất có hơn 27ha đất của 223 hộ dân bị thu hồi, tập trung chủ yếu là ở thôn Kon Hra Chót. Xác định đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, Đảng ủy phường đã chỉ đạo chi bộ thôn làm tốt công tác phân công đảng viên bám hộ và nhóm hộ; đồng thời phối hợp với ban nhân dân thôn, già làng trong công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ chủ trương của tỉnh – ông Võ Chính – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Trưởng khối dân vận phường Thống Nhất chia sẻ.

Bí thư chi bộ thôn Kon Hra Chót - Phan Văn Tân cho biết, thời gian đầu, sau khi nghe thông tin UBND thành phố Kon Tum thông báo tiến hành thu hồi diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất hoa màu của bà con để triển khai xây dựng công trình trụ sở làm việc các sở ngành của tỉnh, ai nấy đều lo lắng, vì không còn đất canh tác bà con không biết lấy gì sinh sống; trong khi, khu đất của bà con nơi đây là vựa rau lớn nhất nhì của thành phố, mỗi năm cung cấp ra thị trường 250-300 tấn rau, giúp các hộ gia đình ổn định cuộc sống… Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, Đảng ủy phường và chi bộ khu dân cư đã sớm đề xuất lên cấp trên các phương án tháo gỡ vướng mắc.

Đáng mừng là qua xem xét thực tế giá đất hiện tại, tỉnh đã thống nhất áp dụng mức giá bồi thường diện tích đất nằm trong dự án lần này lên gấp 5 lần so với dự án thu hồi đất trước đó. Vì vậy, đến nay, bà con đã chấp hành nghiêm chủ trương của tỉnh, tạo điều kiện để ngành chức năng kiểm kê lập phương án bồi thường – Bí thư chi bộ Phan Văn Tân cho biết.

Theo ông Võ Chính, ổn định sản xuất cho người dân sau thu hồi đất luôn là vấn đề nan giải đối với bất kỳ địa phương nào và phường Thống Nhất cũng không là một ngoại lệ. Vì vậy, cùng với công tác dân vận của Đảng, phường Thống Nhất tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác dân vận chính quyền. Hiện nay, phường cũng đã kiến nghị lên UBND thành phố Kon Tum cho chủ trương rà soát quỹ đất nông nghiệp còn lại trên địa bàn phường để vận động hộ dân hoán đổi đất để quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm hỗ trợ cho hộ dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và thu nhập…

Bài, ảnh: Sông Côn

Chuyên mục khác