28/02/2019 06:21
Phóng viên: Thưa Đại tá, với vai trò là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những biện pháp gì để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện có hiệu quả ngày Biên phòng toàn dân?
Đại tá Phạm Ngọc Phú: Cách đây 60 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng. Từ đó, ngày 3/3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Ngày 22/2/1989, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ ban hành Quyết định 16/HĐBT về tổ chức ngày Biên phòng toàn dân trong cả nước. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI, ngày 17/6/2003 đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định ngày 3/3 hàng năm là ngày Biên phòng toàn dân.
Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn tổ chức quán triệt sâu sắc các quyết định, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời, bám sát tình hình thực tế của địa phương để ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân” trên địa bàn tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nói chung, khu vực biên giới nói riêng đã nhận thức đúng vị trí, ý nghĩa, nội dung ngày Biên phòng toàn dân; tích cực, chủ động phối hợp và tham gia cùng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng khu vực biên giới của tỉnh vững mạnh toàn diện.
|
Phóng viên: Xin Đại tá cho biết những kết quả đạt được qua thực hiện ngày Biên phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?
Đại tá Phạm Ngọc Phú: Qua 30 năm thực hiện ngày Biên phòng toàn dân, các cuộc vận động hướng về biên giới được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, huy động được nguồn lực to lớn giúp đỡ các xã biên giới, các đồn, trạm biên phòng; động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc ở biên giới khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày hội của nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới; tuyên truyền, vận động nhân dân trong tỉnh hướng về biên giới, tham gia quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trong mọi tình huống.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực tham gia xóa mù chữ (đến nay các xã biên giới đều đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học); giới thiệu 13 cán bộ tăng cường cho 13 xã biên giới, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã và 8 cán bộ đoàn đồn Biên phòng giữ chức Phó Bí thư đoàn xã, 67 đảng viên về tham gia sinh hoạt tại 63 chi bộ thôn, làng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; phân công 38 đảng viên phụ trách và kết nghĩa với 32 hộ gia đình khó khăn và kết quả đã giúp 27 hộ thoát nghèo...
Đặc biệt, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng đã triển khai và phối hợp triển khai Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, Chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới ghi nhận, đánh giá cao.
Phóng viên: Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần làm gì để thực hiện hiệu quả các nội dung của ngày Biên phòng toàn dân, thưa Đại tá?
Đại tá Phạm Ngọc Phú: Để thực hiện tốt các nội dung ngày Biên phòng toàn dân, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục tích cực chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác biên phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội trong thực hiện ngày Biên phòng toàn dân, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới” và Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Phát triển kinh tế-xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”; đẩy mạnh phong trào đỡ đầu, kết nghĩa giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị tuyến sau với các xã biên giới và các đồn Biên phòng. Đồng thời, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị hướng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, trong đó chú trọng xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!
Dương Đức Nhuận (thực hiện)