Xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN tạo động lực phát triển

18/05/2025 06:01

Để đổi mới phương thức quản trị và ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định những đột phá chiến lược, giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho trí thức KH&CN nghiên cứu, sáng tạo. Ảnh: Q.T

 

Theo ông Đặng Thanh Long- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội), để hiện thực hóa mục tiêu này, cần phải tháo gỡ rào cản thể chế, xây dựng cơ chế vận hành linh hoạt, tạo điều kiện thực chất để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tham gia sâu hơn vào quá trình hoạch định và triển khai chính sách, góp phần đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Với trên 4.300 hội viên trí thức KH&CN, thời gian qua, Liên hiệp hội đã đẩy mạnh tập hợp, xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường. Đáng chú ý, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp song hành với phát triển sản phẩm thương hiệu của địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện nay vẫn có tình trạng trí thức chưa thật sự mặn mà với việc tham gia hoạt động tư vấn, phản biện, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân chủ yếu là chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Vì vậy, cần có chính sách tài chính ổn định, tăng mức thù lao cho các chuyên gia và hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức khoa học duy trì hoạt động thường xuyên. Đồng thời, xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ nghiên cứu, phản biện xã hội ngay từ khâu lập kế hoạch, thực hiện đến đánh giá kết quả, gắn lý luận với thực tiễn.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Chung- Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kon Tum, hiện nay nhiều ý tưởng, sáng kiến từ đội ngũ trí thức KH&CN và doanh nghiệp vẫn chưa có kênh pháp lý để triển khai vào thực tiễn. Vì vậy, việc  ban hành cơ chế hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm KH&CN là bước đi thiết thực để gắn kết sáng kiến khoa học với thực tiễn phát triển.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tăng cường đặt hàng, sử dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.

Ông Đặng Thế Đông- Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Kon Tum cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể nhằm xác định vị trí của trí thức trong từng mắt xích đổi mới sáng tạo. Khi hành lang pháp lý được thông thoáng và cơ chế vận hành tốt, đội ngũ trí thức mới có thể đóng góp hiệu quả, sáng tạo, góp phần chuyển hóa KH&CN thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Số lượng sản phẩm KH&CN được ứng dụng thành công và thương mại hóa sẽ là thước đo cụ thể cho hiệu quả thực hiện Nghị quyết 57.

Ông Đặng Thanh Long cho hay: “Mô hình tổ chức hiện nay đã có những đóng góp nhất định, nhưng cũng cần đổi mới theo hướng mở rộng đối tác để đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Phát triển mô hình tổ chức dựa trên hai trụ cột, đó là vừa duy trì bộ máy thực hiện nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao với cơ chế ổn định về biên chế và tài chính vừa thúc đẩy các tổ chức khoa học tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và xã hội”.

Cùng với đó, nghiên cứu thành lập các tổ chức tư vấn độc lập, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo cơ chế tự chủ, huy động nguồn lực xã hội và hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường. Những tổ chức này không chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn, phản biện khoa học, dự báo xu thế phát triển mà còn tạo thêm nguồn lực tài chính để củng cố hệ thống KH&CN của ngành, địa phương.

Sản phẩm nghiên cứu của trí thức KH&CN ứng dụng vào thực tiễn. Ảnh: QT

 

Chương trình số 95-Ctr/TU ngày 24/01/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm bố trí tối thiểu 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển; sắp xếp lại các tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo; duy trì số lượng tổ chức KH&CN hiện có để phục vụ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống; phấn đấu nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 8 người/10.000 dân.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức KH&CN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bước vào kỷ nguyên mới.       

QUỐC TUẤN

Chuyên mục khác