Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa

24/05/2023 13:15

Với đặc thù là tỉnh biên giới, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 53% dân số, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật ở tỉnh Kon Tum có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng.

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trên địa bàn tỉnh có những đặc thù, đó là cần có vốn sống, kinh nghiệm, nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa; nói được tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS, cùng tham gia vào những hoạt động biểu diễn, tục lệ, nghi thức; hướng dẫn đồng bào DTTS cách thức, biện pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa trong tình hình mới.

Xác định rõ vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, những năm qua, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức văn hóa. Bộ máy quản lý văn hóa từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn thường xuyên được kiện toàn, bổ sung, tạo “mạng lưới” cán bộ văn hóa rộng khắp giúp cho việc tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung phong trào xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú.

Thi kéo co tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đăk Hà. Ảnh: S.C

 

Đến nay, tổ chức bộ máy ngành văn hóa được kiện toàn theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; chú trọng hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tăng lên về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một cán bộ văn hóa chuyên trách được biên chế, với tổng số 93 cán bộ.

100% cán bộ văn hóa xã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ; 40 - 50% cán bộ làm công tác văn hóa xã ở vùng DTTS là người của dân tộc tại chỗ hoặc của các DTTS khác có thời gian sinh sống lâu trên địa bàn, hiểu biết sâu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc tại chỗ; đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào DTTS chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước;  xây dựng văn hóa, con người mới xã hội chủ nghĩa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, tích cực, chủ động xuống cơ sở, nắm bắt, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con; tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết thắc mắc, kiến nghị của đồng bào DTTS, qua đó góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các bộ, ban, ngành có liên quan của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn chậm, chưa cụ thể hóa vào từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể; chưa thật sự linh hoạt, năng động, sáng tạo.

Vẫn còn có cán bộ trông chờ, dựa dẫm vào hướng dẫn của cấp trên, thậm chí, một số cán bộ làm công tác văn hóa không hiểu được đặc điểm, truyền thống, tính cách, tâm lý của đồng bào DTTS, đặc biệt là tiếng nói, từ đó, khó có thể hướng dẫn, tổ chức cho đồng bào DTTS thực hiện các hoạt động văn hóa gắn với phát triển du lịch, bảo đảm phát triển bền vững, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Trước những yêu cầu thực tiễn, để đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục định hướng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức văn hóa cơ sở theo tiêu chuẩn chức danh, tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ công chức văn hóa cơ sở. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ làm công tác văn hóa.

Hai là, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy của cơ quan văn hóa từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Chú trọng công tác quy hoạch đào tạo cán bộ nguồn lãnh đạo quản lý ngành văn hóa. Lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đảm đương công việc.

Ba là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động văn hóa nghệ thuật đang làm việc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đi đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn và trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ văn hóa

Về phần mình, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song song với việc không ngừng củng cố trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ làm công tác văn hóa phải tự bồi đắp, nâng cao tri thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ.

Cần am hiểu ngôn ngữ của đồng bào DTTS, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân dễ dàng tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Và đặc biệt, cán bộ làm công tác văn hóa cần không ngừng phấn đấu, rèn luyện để trở nên “vững chuyên môn, mạnh phong trào”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.         

Sông Côn

Chuyên mục khác