Xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh

11/03/2023 06:30

Tiếp tục xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Chính quyền địa phương là một trong những nội dung có vị trí hết sức quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Điều 4, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.

Ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã; ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn.

Chính quyền địa phương ở tỉnh ta gồm có HĐND, UBND cấp tỉnh; cấp huyện, thành phố; cấp xã, phường, thị trấn.

Trong những năm qua, mục tiêu xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở tỉnh ta được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo nên những chuyển biến tích cực.

Từ đó đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; được sự tín nhiệm, hài lòng cao của hệ thống chính trị và của nhân dân. 

Chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đại biểu HĐND được nâng cao. Ảnh: Đức Thành

 

Hiện nay, tỉnh ta có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 9 huyện, 1 thành phố) với 102 xã, phường thị trấn; trong đó, có 52 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 35 xã khu vực I.

Việc xây dựng chính quyền địa phương các cấp được triển khai đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, đại biểu HĐND các cấp được bầu đủ về số lượng, đúng cơ cấu; tăng đại biểu hoạt động chuyên trách; chất lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đại biểu HĐND được nâng cao.

Cơ cấu tổ chức của UBND bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể của UBND, tạo điều kiện thực hiện việc giám sát của HĐND và lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên UBND.

Trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND và UBND, điểm nổi bật là việc ban hành các nghị quyết của HĐND bảo đảm quy trình, thủ tục luật định. Đã chú trọng hơn việc lấy ý kiến nhân dân địa phương và các chuyên gia, mang lại hiệu quả tích cực trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương. Chất lượng tiếp xúc cử tri và tiếp nhận, giải quyết đơn tố cáo, kiến nghị của công dân ngày càng nâng cao.

UBND các cấp đã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Khắc phục các khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các thời cơ để tập trung công tác chỉ đạo, điều hành; có sự phân định trách nhiệm của cá nhân và tập thể UBND, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND.

Khâu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là một điểm sáng, với việc tổ chức lại 19/20 cơ quan chuyên môn, giảm 35 đơn vị thuộc và trực thuộc các sở, 31 cấp trưởng, 26 cấp phó, 29 phòng chuyên môn bên trong các chi cục và tương đương trực thuộc sở; giảm 119 đơn vị sự nghiệp công lập và 132 lãnh đạo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là một số đơn vị hành chính cấp xã có quy mô diện tích nhỏ, dân số ít, dẫn đến đầu tư dàn trải và khó khăn trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế ở các cấp chính quyền địa phương.

Vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên với cấp dưới qua các hình thức như báo cáo, xin ý kiến đối với các vấn đề đã phân quyền, phân cấp; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được hoàn thiện đồng bộ với yêu cầu đẩy mạnh phân quyền, phân cấp.   

Trong việc thực hiện bỏ phiếu còn có việc người dân chưa thực sự quan tâm tìm hiểu về thông tin của các đại biểu; một số yêu cầu, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan có thẩm quyền chưa được giải quyết dứt điểm; việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chưa kịp thời.

Xuất phát từ thực trạng trên, để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian tới cần có những giải pháp mang tính đột phá.

Trong đó xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền địa phương. Khắc phục việc can thiệp, chỉ đạo, điều hành không đúng thẩm quyền của cấp trên đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp dưới.

Đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Phát huy chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động quản lý của từng cấp; làm rõ từng vị trí việc làm để phân công lao động và tinh giản biên chế hợp lý.

Tiến hành rà soát, sắp xếp các cơ quan thuộc UBND theo khung quy định của Trung ương; giảm đầu mối bên trong; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, phục vụ tốt cho nhân dân và doanh nghiệp.

Và cuối cùng, phát huy dân chủ và tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện vai trò giám sát; tăng cường sự tham gia của người dân, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở các lĩnh vực.  

Sông Côn

Chuyên mục khác