Xách giỏ đi chợ- dễ hay khó?

22/10/2023 07:56

Bà Hai ở xóm tôi có nhiều thói quen rất dễ thương. Một trong những thói quen của bà mà tôi rất thích là xách giỏ đi chợ vào mỗi buổi sớm mai. Nhìn bà gợi lên trong tôi hình ảnh những mẹ, những dì xách giỏ đi chợ ở quê tôi trước đây.

Tôi gọi hình ảnh của bà Hai thuộc “hàng hiếm”, vì bây giờ rất ít thấy người sử dụng giỏ để đựng hàng hóa mua được khi đi chợ. Thay vào đó, mọi người thường đựng đồ trong túi ni lông. Lý do ư? Đơn giản thôi: Tiện lợi, dễ sử dụng, không vướng víu, cồng kềnh, và… hoàn toàn miễn phí khi mua hàng. 

Bà Hai cho biết, chiếc giỏ là vật dụng thân thuộc của mình, từ hồi còn trẻ bà đã sử dụng giỏ để đựng hàng mỗi khi đi chợ. Cho đến bây giờ, bà vẫn giữ thói quen ấy, dù mua ít hay nhiều đồ không cần biết, nhưng hễ đi chợ là phải xách theo chiếc giỏ bên mình.

Những chiếc giỏ nhựa dùng để đi chợ thay thế túi ni lông. Ảnh: Sông Côn

 

Thời trước, giỏ nhựa chưa có nhiều như bây giờ, bà thường dùng giỏ đan bằng lác hoặc cói. Đó là những chiếc giỏ tiện lợi, có thể xếp lại nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ, nhưng có thể chứa rất nhiều đồ. Tuy nhiên, chúng dễ bị thủng, rách, bị ngấm nước mưa hoặc nước từ đồ ăn.

Sau này có giỏ nhựa, giá rẻ lại bền, nên được thị trường ưa chuộng hơn, và bà Hai cũng “đầu tư” cho mình một chiếc để đi chợ.

Một chiếc giỏ nhựa bà mua có giá khoảng 50.000 đồng nhưng nếu dùng cẩn thận, cất giữ kỹ càng thì có khi dùng đến 5 năm mới hư hỏng.

Với chiếc giỏ này, mỗi khi đi chợ, mua món đồ gì, bà Hai không cần dùng thêm bọc ni lông mà xếp trực tiếp món đồ mua được vào giỏ. Bà thấy vậy rất gọn gàng, không gây lãng phí thêm túi ni lông. Thời gian sau này, xem trên báo, đài nói nhiều về sự nguy hại của túi ni lông khi đựng thực phẩm, hay chất ni lông gây ô nhiễm môi trường, bà càng thực hiện nghiêm túc việc “nói không với túi ni lông” hơn.

Mỗi lần đi chợ về, lấy hết đồ trong giỏ ra là bà lại rửa ngay chiếc giỏ rồi treo lên một góc thoáng mát đã được mặc định sẵn trong nhà.

Ở trong xóm tôi, rất ít người dùng giỏ đi chợ như bà Hai. Nhiều người cho rằng điều đó rất bất tiện, bởi họ thường tranh thủ đi chợ sau khi tan giờ làm nên không thể mang theo chiếc giỏ đến nơi làm việc được.

Tôi kể chuyện này cho bà Hai nghe, bà cười hiền: Đúng là bất tiện! Nhưng nếu muốn mang giỏ đi chợ không phải là không có cách, vì bây giờ các loại giỏ lác, giỏ cói, giỏ làm bằng sợi cỏ bàng đã quay trở lại, rất thân thiện với môi trường.

Sử dụng chiếc giỏ đi chợ góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

 

Công nhận là bà Hai cũng cập nhật thông tin thị trường nhanh thật. Bởi có lần lên Google tìm giỏ đi chợ thân thiện với môi trường, tôi cũng đã phát hiện ra chiếc giỏ làm bằng cỏ bàng, rất đẹp và thời trang, có điều giá bán hơi đắt so với giỏ nhựa.

Bài Hai nói, bây giờ bệnh tật đâu chờ già, nên mỗi người phải biết giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình mình. Không thể thấy cái gì tiện lợi là làm, như vậy sẽ không tốt đâu. Muốn thay đổi thói quen phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người.

Câu chuyện chiếc giỏ đi chợ của bà Hai khiến tôi chợt nhớ đến thời gian qua, có nhiều đơn vị phát động phong trào hạn chế sử dụng túi ni lông để góp phần bảo vệ môi trường. Có đơn vị còn tặng cả giỏ đi chợ để giúp hình thành thói quen cho chị em. Ấy vậy mà, ra chợ quan sát, chẳng mấy khi nhìn thấy các bà nội trợ mang giỏ đi chợ.

Xách giỏ đi chợ ấy à? Chuyện đó có gì khó. Nhiều người nói như vậy khi tôi hỏi chuyện. Rồi có người còn cho rằng “việc nhỏ ấy mà”.

Nhưng thực tế lại cho câu trả lời khác. Đó hóa ra là chuyện “dễ mà khó”. Nó chỉ dễ khi được mọi người tự giác thực hiện, còn khó khi mỗi người trong chúng ta vẫn giữ thói quen sử dụng túi ni lông.

Sông Côn

Chuyên mục khác