Xả rác có tâm

20/09/2023 13:03

Từ chuyện đường cống thoát nước bị tắc vì túi nilon, cư dân xóm tôi quyết định hạn chế sử dụng túi nilon và thực hiện “xả rác có tâm”.

1. Mấy ngày nay đường cống thoát nước của con hẻm bê tông bị tắc. Hàng ngày, dòng nước thải từ các hộ gia đình tràn cả ra đường, mùi hôi bốc lên nồng nặc.

Thế là cả xóm náo loạn cả lên. Chị em thì khó chịu, cáu gắt. Cánh đàn ông thì bàn ra tán vào, sau đó quyết định họp để truy tìm nguyên nhân vì sao ống cống bị tắc.

Lạ thay, gần hết buổi họp mà không có ai đề nghị về việc thông đường cống!

Thuộc diện “em út” trong xóm, nên chờ mọi người nói xong tôi mới rụt rè đưa ra ý kiến của mình: Em thấy, thay vì tìm nguyên nhân thì ta nên thông đường cống đi. Đó mới là vấn đề quan trọng nhất.

May mắn thay, ý kiến của tôi được mọi người hưởng ứng.

Nói là làm. Ngay trong buổi chiều, cánh đàn ông loay hoay lật từng tấm đanh lót mặt cống xử lý tình trạng tắc cống. Và thật bất ngờ khi “một công đôi việc”, ngay từ tấm đanh đầu tiên, cả nhóm đã phải giật mình vì rác ngập dưới cống, từng búi nilon lấp kín lưới chắn rác.

Viễn cảnh phải nạo vét toàn bộ đường cống thoát nước dài mấy trăm mét khiến cánh đàn ông xanh mặt. Sau một hồi bàn bạc, cuối cùng cả nhóm quyết định nhờ đến công nhân môi trường.

Dù có kỹ thuật, phương tiện và kinh nghiệm, các công nhân môi trường cũng phải mất tới 2 ngày để hoàn thành công việc. Và kết quả sau đó là cả một núi rác, đất cát được nạo vét lên.

Tôi có cảm giác, mỗi lần đi qua, nhìn những lưng áo xanh công nhân ướt đẫm mồ hôi, nhìn những đống túi nilon được lôi lên từ cống thoát nước, chị em đều có vẻ xấu hổ...

Rõ ràng những bì rác, những túi nilon kia là thủ phạm gây tắc đường cống thoát nước.

Cần ‘’xả rác có tâm’’. Ảnh: H.L

 

Tôi chợt nghĩ, có lẽ việc cống thoát nước bị tắc lại là một chuyện hay, ít nhất nó cũng làm cho cư dân trong xóm hiểu được tác hại của việc xả rác bừa bãi.

Nhân đà “thắng lợi”, tôi phấn khởi đề nghị các gia đình trong xóm hạn chế sử dụng túi nilon và thực hiện “xả rác có tâm”. 

Xả rác có tâm á? Tức là sao? Anh trưởng xóm, cũng là lớn tuổi nhất, bất ngờ hỏi lại.

Tức là bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định ấy ạ- tôi nói. Lâu nay đi tập thể dục, em vẫn thấy túi nilon vứt vương vãi trên đường. Ngoài đầu hẻm kia kìa, dù mới được công nhân môi trường dọn dẹp xong, đã thấy những bì nilon rác vứt tung tóe. Khi mưa lớn, nó sẽ trôi vào đường cống thoát nước, lâu dần cống lại tắc thôi.

Hơn nữa, làm như vậy là ta đang thiết thực hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”- tôi nói thêm.

Anh trưởng xóm suy nghĩ một lúc rồi thống nhất sẽ họp xóm để phát động nội dung này.

2. Phải nói rằng tôi rất có ấn tượng với hình ảnh chị Huệ xách làn đi chợ hàng ngày. Một cái làn mây, có nắp đậy hẳn hoi. Thực phẩm được xếp gọn gàng, chứ không lỉnh kỉnh từng túm, từng túm như mấy chị khác, trừ thực phẩm tươi sống như cá, thịt mới phải dùng túi.

Chị giải thích: làm như vậy mục đích chính là để hạn chế lượng túi nilon đựng mỗi loại thực phẩm mình mua. Rau, củ, quả thì để thẳng vào trong làn, còn lại thực phẩm tươi sống thì mới dùng đến túi nilon để đựng cho sạch. Như thế mỗi lần chỉ phải dùng vài túi nilon thôi.

Trước đây, chị Huệ cũng giống như bao nhiêu bà nội trợ khác, mỗi lần từ chợ về là túi lớn, túi nhỏ xách nặng cả tay.

Mỗi loại thực phẩm là một cái túi, thực phẩm tươi sống không nói, ngay cả mớ rau muống, bó rau cải, nhúm hành khô, mấy quả ớt tươi, mỗi thứ chủ hàng lại bỏ vào một cái túi. Thành thử, lần nào đi chợ về, chị Huệ cũng có cả chục cái túi nilon.

Mà cũng không riêng gì nhà chị Huệ, ở con hẻm này, ở xóm này, nhà ai cũng vô tư sử dụng túi nilon như vậy cả.

Chai đựng nước bằng thủy tinh là lựa chọn tốt để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: HL

 

Không thể phủ nhận sự tiện ích mà túi nilon mang lại trong sinh hoạt hàng ngày. Đi chợ ư? Dù mua một vài món hàng hay nhiều món hàng, chỉ cần lấy túi nilon đựng về, cất vào tủ lạnh, vừa gọn, vừa sạch.

Dọn dẹp nhà cửa ư? Mọi thứ rác thải, đồ bỏ đi cứ nhét vào túi nilon, sau đó lại dồn vào một túi lớn, buộc chặt lại, đem ra thùng rác là xong, nhanh gọn, sạch sẽ.

Không phải mọi người không biết gì, không nghe gì về tác hại của túi nilon đối với môi trường sống, đối với sức khoẻ của con người. Đài, báo nói ra rả như thế, không biết nhiều thì cũng biết ít, nhưng vì tiện lợi nên cứ sử dụng. Quen rồi. Chẳng ai nghĩ đến chuyện phải sửa, phải thay đổi. 

Học theo chị Huệ, nhiều tháng nay tôi tự đặt mục tiêu cho mình là hạn chế tối đa việc xả rác thải nhựa. Tôi mua một chai thủy tinh đem nước theo trên xe để uống, thay vì mua hẳn một thùng nước suối 24 chai như trước.

Tôi không mua thức ăn, đồ uống đựng trong hộp xốp, hộp nhựa, ly nhựa, túi nilon. Khi uống cà phê, tôi không để lại một phần đem về cơ quan uống tiếp như trước, vì như thế sẽ phải cần đến ly nhựa. Khi phải mua cơm quán về ăn, tôi đã có sẵn một cái hộp bằng inox.

Trên xe của tôi lúc nào cũng có một cái túi vải có thể sử dụng được nhiều lần, phòng khi phải mua gì đó ở chợ hay cửa hàng. Khi ấy, thay vì đựng mỗi thứ vào một túi nilon, tôi yêu cầu người bán bỏ chung vào túi vải.

Tôi không nghĩ mình đang làm điều lớn lao, nhưng lại tin rằng, ít nhất nó cũng có sức lan tỏa trong thực tế hơn những lời hô hào, khẩu hiệu.

Hồng Lam

Chuyên mục khác