Xã, phường tiêu biểu chăm lo cho người có công

27/07/2018 17:59

​Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, trong những năm qua, công tác chăm lo người có công với cách mạng đã được các địa phương triển khai tích cực. Đến nay, nhiều xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn tiêu biểu trong công tác này; trong số đó có xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) và phường Quang Trung (thành phố Kon Tum).

Những ngày này, ở xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), hòa chung không khí cả nước hướng về ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, nhân dân ở 6 thôn đã tự nguyện đóng góp, ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” của địa phương gần 7 triệu đồng. Qua tìm hiểu, với số tiền này, Tân Lập thường tổ chức các hoạt động đi thăm, tặng quà động viên 23 gia đình người có công cách mạng trên địa bàn.    

Ông Đặng Tuấn Tịnh - Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Hàng tháng, lãnh đạo xã đều quan tâm, nhắc nhở cán bộ làm công tác Văn hóa - Xã hội kiểm tra, theo dõi công tác chi trợ cấp kịp thời theo quy định cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ ở các thôn. Trong cuộc sống hàng ngày, Đảng ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể còn cử cán bộ về sinh hoạt khu dân cư, thường xuyên vận động bà con hỗ trợ, chăm chút cho sinh hoạt của người có công được thuận lợi. Những khi gia đình chính sách có người đau ốm, cán bộ thôn làng phải báo cáo xã biết để kịp thời thăm hỏi, đưa đi khám chữa bệnh.

Đặc biệt, mỗi năm, thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn thể cán bộ và các hộ dân trên địa bàn xã đều tích cực quyên góp, ủng hộ kinh phí. Theo ông Tịnh, nguồn ủng hộ trong dân không nhiều 20 - 30 chục ngàn đồng/hộ, nhưng thông qua việc này còn là nhắc nhở, giáo dục và tuyên truyền về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân gia đình có công với Tổ quốc. Phần lớn kinh phí quyên góp khoảng 10 triệu/năm, đều dành thăm hỏi vào dịp lễ tết, hỗ trợ đột xuất,  hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ, tổ chức cho các đối tượng chính sách đi tham quan.     

Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, địa phương vận động nhiều nguồn giúp đỡ của doanh nghiệp ngoài xã, các tổ chức đoàn thể và ngày công từ nhân dân, để xây dựng, sửa chữa xong nhà ở cho người có công, theo Quyết định 22 của Chính phủ.

“Đến nay, 100% gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam có nhà ở ổn định, khang trang. Đồng thời, đời sống vật chất cũng được chăm lo đầy đủ hơn, có mức sống cao hơn người dân địa phương”, ông Tịnh nhận xét.

Tại phường Quang Trung (thành phố Kon Tum), chị Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: Địa phương thường tổ chức gặp mặt giao lưu các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công vào dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Tại các buổi gặp mặt, Đảng ủy và UBND phường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thân nhân người có công, tặng quà; tuyên dương thôn, làng làm tốt các mặt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”…

Để công tác tổ chức các buổi gặp mặt được chu đáo, trang trọng, phường Quang Trung đã chuẩn bị từ vài tháng trước đó như: vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn  và 3.827 hộ dân ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, như năm 2017, địa phương đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ các đơn vị trong và ngoài địa phương trên 80 triệu đồng. Tất cả nguồn vận động được, phường tổ chức gặp mặt, tặng quà đến 180 gia đình người có công; cùng đó, ngân sách địa phương cũng tiết kiệm chi, trích gần 40 triệu đồng tặng đối tượng vào dịp lễ, tết trong năm.

6 tháng đầu năm nay, UBND phường tiếp tục vận động được 78 suất quà của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp với tổng giá trị gần 30 triệu đồng. Từ nguồn này, phường đã tổ chức tọa đàm, tặng quà đến các hộ có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày 27/7 năm nay. 

Theo chị Hương, phường còn thành lập các tổ chi trả, giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công kịp thời, không để xảy ra sai sót ở 17 thôn, tổ dân phố với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng/tháng. Nhiều năm qua, phường cũng giới thiệu đối tượng cho các cấp để tham gia giao lưu, hưởng chế độ điều dưỡng ngoài tỉnh; được cấp thẻ bảo hiểm và khám sức khỏe định kỳ kịp thời. Đảng ủy phường cũng chỉ đạo Đoàn phường tổ chức cho lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia các đợt về nguồn, vệ sinh khuôn viên sân, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Nhà bia tưởng niệm 81 liệt sĩ (thành phố Kon Tum)…

Qua những việc làm của 2 địa phương tiêu biểu trên cho thấy, công tác chăm lo cho người có công không chỉ là nghĩa cử cao đẹp, mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục cho mỗi cán bộ, người dân nhận thức sâu sắc về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, động viên gia đình người có công vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục sống tốt hơn, cống hiến tích cực hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mai Trâm

Chuyên mục khác