09/09/2024 13:06
Sở dĩ tôi có ý nghĩ ấy, và hẳn không chỉ có tôi, là vì “xin giấy chuyển tuyến” đã và đang là một trong những khúc mắc trong “quy trình khám, điều trị và chi trả BHYT” làm nhiều người bức xúc.
Theo quy định hiện hành (Thông tư 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế) bệnh nhân được xem là điều trị đúng tuyến khi có giấy chuyển viện ở cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu (theo thẻ BHYT).
Nếu thuộc trường hợp chuyển tuyến đúng tuyến, người bệnh được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức quy định tại khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi Luật BHYT.
Hay nói một cách đơn giản, nếu người bệnh muốn chuyển viện lên tuyến trên và được hưởng BHYT với quyền lợi cao, người bệnh buộc phải có giấy chuyển viện do cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cấp.
|
Quy định này đã khiến người dân ngán ngại mỗi khi nghĩ đến chuyện xin cho được giấy chuyển viện. Nhiều trường hợp mắc bệnh nan y, tuyến xã và huyện không thể điều trị, nhưng vẫn phải làm theo thủ tục, đến các cơ sở y tế để làm giấy tờ chuyển tuyến mới được hưởng BHYT.
Điều này gây phiền hà, thậm chí nhiều người không đủ kiên nhẫn, thời gian chờ đợi mà bỏ tiền túi khám dịch vụ, mất đi quyền lợi.
Chuyện của bạn tôi là một ví dụ. Vốn bị bệnh hiểm nghèo, đã được chuyển tuyến để phẫu thuật ở bệnh viện tuyến trên, và sau đó được chỉ định khám định kỳ theo thời gian quy định.
Nhưng hàng năm anh vẫn phải xin giấy chuyển viện để đi khám, dù ở bệnh viện tuyến tỉnh không thực hiện khám, cấp thuốc cho căn bệnh này.
Trong một lần anh phải nhập viện cấp cứu, khi tình hình hơi ổn, người nhà có nhu cầu xin chuyển tuyến để thuận lợi cho điều trị và chăm sóc, nhưng không xin được giấy chuyển viện. Lý do là “ở đây cũng điều trị được, sao lại xin chuyển tuyến?”
Chính vì vậy, anh đã vượt tuyến, đi thẳng luôn lên bệnh viện tuyến trên vì “điều trị được bệnh là mừng, dù biết tốn kém hơn nhiều, khi chấp nhận không được BHYT chi trả”.
Thực tế, bỏ giấy chuyển viện hay không từng là một trong những vấn đề nóng của y tế trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 11/2023). Khi một số đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ quy định về giấy chuyển viện vì “gây phiền hà cho người bệnh”.
Lãnh đạo một số cơ sở y tế cũng từng khẳng định, nên bỏ giấy chuyển viện để tạo thuận lợi cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.
Vì đặc thù công việc, bản thân tôi cũng nghe những lời phàn nàn rằng giấy chuyển viện là thủ tục hành chính khá phiền phức, ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh của người bệnh.
Ngoài quy định chuyển tuyến chưa sát với thực tế thì hiện nay, bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng không chuyển bệnh nhân lên tuyến cuối ở các thành phố lớn, khiến việc xin giấy chuyển tuyến càng thêm khó khăn.
Nguyên nhân “khó nói” được cho là do bệnh viện tỉnh và cơ quan BHXH ở địa phương phải chi trả một chi phí lớn hơn nếu bệnh nhân được chuyển về tuyến cuối. Trong khi, lượng người mua BHYT ở tỉnh thì quá ít do đó sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm.
Nhưng rất có khả năng là ý nghĩ ấy trở thành hiện thực, khi Bộ Y tế mới đưa ra đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng được chuyển thẳng tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT.
|
Đề xuất này nằm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm nay.
Theo đó, dự thảo bổ sung quy định với trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được đến cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất.
Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh, như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt, ghép tạng.
Đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, lý do của đề xuất này là để giảm các thủ tục, đảm bảo quyền lợi của người dân. Vì hiện nay thủ tục chuyển tuyến vẫn còn bất cập, gây phiền hà cho người tham gia BHYT.
Khi đề xuất này được các cơ quan báo chí truyền thông đăng tải, cũng như chia sẻ trên mạng xã hội, đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Đa số trong đó cho rằng đây là việc cần làm vì vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh khám chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới, đồng thời khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện.
Cũng có ý kiến cho rằng, giấy chuyển viện không thể bỏ. Bởi nếu bỏ quy định này sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo. Vì vậy, không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu.
Ngoài ra, việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Nhưng ngay cả những ý kiến không đồng tình cũng xác nhận rằng, quy định về giấy chuyển viện đang gây phiền hà, bức xúc cho người bệnh.
Tất nhiên, trên đây mới là đề xuất của Bộ Y tế, nhưng như những người bệnh khác, tôi rất mong muốn đề xuất này được thông qua. Là một bệnh nhân nặng, tôi càng mong đợi ngày được đi khám bệnh mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến nhưng vẫn hưởng đủ quyền lợi về BHYT.
Còn về danh mục bệnh được “vượt tuyến” như thế nào thì là do cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu cụ thể, để đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối.
Hồng Lam