Vững vàng làng thanh niên nơi biên giới

27/09/2017 18:00

​Bằng sức trẻ, bằng khát vọng cống hiến và vươn lên trong cuộc sống, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã đến với vùng đất biên giới phía tây nam của tỉnh để xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mô Rai (xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai). Sau hơn 8 năm kiến thiết, ngôi làng này đã và đang có những thay đổi, góp phần tạo lá chắn nơi biên cương.

Chinh phục vùng đất khó

Vượt hơn 20km đường đất lầy lội từ trung tâm xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), chúng tôi mới đến được Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mô Rai. Làng nằm gọn giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, của những vườn cao su, rẫy mì...

Khí hậu nơi đây khá khó chịu, giữa mùa mưa nhưng cái nóng vẫn hầm hập, nắng thì rát bỏng. Có lẽ vì thế mà những công dân của làng ai nấy đều có nước da giống nhau: đen giòn, khỏe mạnh.

Nói chuyện với chúng tôi, thôn trưởng Lê Đức Định - một trong những thanh niên đầu tiên lên lập nghiệp tại đây, bồi hồi nhớ lại: Những ngày đầu, cả làng chỉ có một cái lán rộng chừng hơn 20m2 để ở, được ngăn làm hai, một bên cho nam, một bên cho nữ. Anh em vừa phải đảm nhận công việc trồng và chăm sóc cao su cho Công ty Cao su Sa Thầy, vừa tranh thủ mở đường đi, san nền làm nhà. Không điện, không thông tin liên lạc, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Những lúc ốm đau, anh em trong làng vừa là bác sĩ, vừa là người thân, tự chăm sóc lẫn nhau, chỉ khi nào bệnh nặng mới đến nhờ bệnh xá của Bộ đội Biên phòng. Cuộc sống vô cùng khó khăn và thiếu thốn, nhưng được cái anh em đùm bọc nhau.

Những đứa trẻ nô đùa sau giờ học. Ảnh: T.H

 

Với chị Nguyễn Thị Hoàng Hoanh, điều làm chị ám ảnh nhất chính là chuyện đi lại ở nơi đây. Chị kể: Hai vợ chồng em gửi con cho ông bà nội ở thị trấn Sa Thầy, mỗi lần muốn về thăm con phải đi hơn 80 cây số, mùa nắng đã khổ, mùa mưa làng biến thành một ốc đảo, ra không được mà vào cũng không xong. Nhiều khi, làng bị cô lập cả tháng trời bởi khi ấy con đường duy nhất từ trung tâm xã Mô Rai vào làng mỗi lần mưa to, đất đỏ vỡ ra nhão nhoét không tài nào đi được...

Mỗi lần nhắc đến những khó khăn của thuở ban đầu, những người dân của Làng thanh niên ai cũng chỉ cười xoà. Nói như thôn trưởng Lê Đức Định thì “Ôi trời, kể sao cho hết được nhỉ! Bởi chuyện gì cũng khó, đụng đâu cũng thiếu, chỉ có mỗi sự lạc quan là luôn đầy ắp thôi”.

Đúng là với quyết tâm bám đất, bám làng, với niềm tin, khát vọng vươn lên trong cuộc sống; với sức trẻ, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã làm nên điều kỳ diệu; vượt mọi thử thách để xây dựng, kiến thiết quê hương thứ hai vững vàng nơi biên giới.

Đổi thay trên quê hương mới

Đất không phụ công người, những vườn cao su do Làng thanh niên trồng đã bắt đầu cho khai thác mủ như trả công cho những năm tháng vất vả, nhưng đầy nỗ lực của các thanh niên trong làng. Với 3ha cao su thời kỳ khai thác, 5ha cao su thời kỳ kiến thiết được nhận khoán, lương bình quân của mỗi công nhân khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các gia đình đều chịu khó tăng gia sản xuất thêm nên cuộc sống mọi nhà hiện nay đều khấm khá.

Thôn phó Đỗ Ngọc Tân chia sẻ: Mỗi công nhân được giao khoán 3ha cao su, ngoài ra, còn tận dụng các bờ lô, hợp thuỷ để trồng thêm bắp, mì, điều, bời lời... Với quỹ đất rộng rãi, các gia đình ở đây chăn nuôi thêm bò, dê, nhà ít thì 2-3 con bò, nhà nhiều có tới vài chục con. Như nhà mình đây, hiện tại ngoài cao su còn có hơn 2ha mì, hơn 1ha điều, nuôi gần chục con bò nên mỗi năm cũng dư được chút đỉnh.

Giữ chúng tôi ở lại ăn bữa cơm trưa, anh Tân bảo: Nhà anh cũng như hầu hết các hộ gia đình trong làng, ngoài mắm muối ra không phải mua cái gì hết; làm lúa đủ gạo ăn quanh năm; gà, heo trong chuồng; rau, măng ở ngoài vườn.  Nhà anh ở đây đông lắm, 3 anh em đều lần lượt lên đây làm công nhân, nhà cửa, gia đình ổn định cả nên bố mẹ anh cũng lên theo buôn bán thêm.

Cũng như gia đình anh Tân; lớp thanh niên đến trước dẫn lớp thanh niên đến sau, họ đã từng bước xây dựng Làng thanh niên trở nên nhộn nhịp, đông đúc. Cả làng hiện có hơn 100 hộ gia đình với hơn 300 nhân khẩu. Tổng diện tích cao su làng đã liên kết với các doanh nghiệp trồng mới và chăm sóc trong 8 năm qua là hơn 800ha.

Không còn vẻ hoang sơ ngày nào, Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mô Rai giờ đã đổi khác. Làng đã khoác lên mình một diện mạo mới; giữa màu xanh bạt ngàn của cao su là những công trình xây dựng kiên cố như điểm trường, trạm y tế, nhà điều hành của Tổng đội Thanh niên xung phong. Điện lưới đã được đưa về, sóng điện thoại cũng đã phủ kín. Nhà cửa của các gia đình xây dựng san sát, mỗi hộ được Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh cấp cho một căn; trong nhà, các gia đình đều sắm sửa rất đầy đủ, nào là tivi, tủ lạnh; nào là máy giặt...

Chừng đó vẫn chưa hết, thôn trưởng Lê Đức Định còn tự hào khoe: Không chỉ vững tay cuốc, tay cày; các công dân của làng còn rất vững vàng về tư tưởng nữa. Mỗi người dân luôn xác định nhiệm vụ phải là những chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ, giữ gìn an ninh, chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Sau hơn 8 năm hình thành và phát triển, Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Mô Rai đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Dù vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng điều quan trọng là những thanh niên của làng đều cùng chung một chí hướng, đó là quyết tâm làm giàu trên vùng đất biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương. 

Hương Nga 

Chuyên mục khác