Vững tin tiến bước

16/03/2019 06:23

​Ngày 17/3/2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Thông báo số 59-TB/TU thống nhất chọn ngày 16/3/1975 (thời điểm lực lượng ta tấn công, đánh chiếm và làm chủ thị xã Kon Tum) làm ngày kỷ niệm giải phóng tỉnh Kon Tum. Trải qua 44 năm sau ngày giải phóng, cùng với những nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn vững tin tiến bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Lần giở lại trang sử hào hùng của dân tộc, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Kon Tum là địa bàn địch triển khai nhiều chiến lược, chiến dịch nhằm đàn áp các phong trào cách mạng, tra tấn, sát hại dã man đồng bào ta. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ấy, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, bền bỉ, liên tục chiến đấu và liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn vang dội, góp phần cùng cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch. 

Cuộc đấu tranh giải phóng quê hương của quân và dân tỉnh Kon Tum với đỉnh cao chiến thắng ngày 16/3/1975 đã giành thắng lợi hoàn toàn là một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Chiến thắng đã góp phần quan trọng vào hành trình thần tốc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Lãnh đạo tỉnh thăm vườn thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao của Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ tại huyện Kon Plông

 

Mỗi người dân Kon Tum rất đỗi tự hào về mốc son chói lọi đã được ghi vào trang vàng Lịch sử Đảng bộ tỉnh: “Đêm ngày 16/3/1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh, cùng với các mũi đột kích của chủ lực F968 đột nhập, chiếm lĩnh và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng triển khai chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum” và “Thị xã Kon Tum là sào huyệt trung tâm, cái hang ổ trú ẩn cuối cùng của địch trong tỉnh đã bị quân và dân ta quét sạch. Cờ giải phóng tung bay trên khắp bầu trời thị xã. Trong niềm vui tràn ngập khí thế chiến thắng, nhân dân thị xã reo mừng tổ chức đón chào cán bộ, chiến sĩ giải phóng, những người con trung kiên dũng cảm thân thương của quê hương vào giải phóng thị xã, chào đón những đoàn cán bộ cùng với các lực lượng của tỉnh từ vùng căn cứ tiến vào tiếp quản thị xã”.

Lịch sử đã ghi nhận và đánh giá cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân tỉnh Kon Tum có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đập tan sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy ở Kon Tum, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, đem lại hòa bình, tự do, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng toàn tỉnh Kon Tum mùa Xuân năm 1975 thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt của Đảng bộ ở chiến trường: biết chớp thời cơ và thúc đẩy tình hình theo hướng chỉ đạo của cấp trên, làm chuyển biến nhanh chóng, giành thắng lợi giòn giã trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời còn làm tốt công tác nghi binh, thu hút địch ở chiến trường thứ yếu, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính Buôn Ma Thuột tấn công địch giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân tỉnh Kon Tum góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng rực rỡ mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Với truyền thống anh hùng ấy, từ năm 1975 đến nay, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh luôn vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp, đạt được những thành tựu quan trọng: các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được khai thác và phát huy có hiệu quả; kinh tế tiếp tục tăng trưởng; các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực bước đầu được hình thành; kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn được đầu tư nâng cấp, nhất là các tuyến giao thông quan trọng kết nối các vùng thuận lợi với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên; hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành trưởng thành về nhiều mặt.

Tính đến cuối năm 2018, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.443 tỷ đồng, tăng 9,28% so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.530 tỷ đồng, bằng 116,54% so với dự toán, đây là mức thu ngân sách Nhà nước cao nhất từ trước tới nay của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,49 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17,29%; toàn tỉnh có 13 xã đạt nông thôn mới,...

Với những chủ trương, quyết sách quan trọng đề ra, đến nay, tỉnh Kon Tum cũng đã thành lập được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen với quy mô 170ha; thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” và bước đầu hình thành một số cánh đồng lớn như cánh đồng sản xuất mía công nghệ cao 30ha tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm 32ha tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà), cánh đồng trồng bắp lấy thân 30ha tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông),…

Chiến tranh đã lùi xa 44 năm, nhưng những chiến công oanh liệt gắn với tên đất, tên làng, ngọn núi, con sông và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh cho vùng đất Kon Tum mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử của đất nước, của dân tộc. Cùng với cả nước, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Kon Tum luôn vững tin tiến bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển vì mục tiêu xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác